Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024
Ngày 27/4/2024, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”.
Ngày 27/4/2024, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”.
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới cũng như tại Việt Nam diễn biến khó lường, khó dự báo, nhất là các bệnh lây truyền từ động vật sang người như SARS, cúm gia cầm AH5N1, đại dịch cúm H1N1, MERS-CoV và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Vì vậy để phòng, chống và kiểm soát các bệnh này không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế hoặc ngành thú y mà cần một sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Bộ Y tế và kết nối trực tuyến với điểm cầu của các tỉnh, thành phố.
Tham gia và chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra tham dự Hội nghị còn có các đại biểu đến từ Cục Y tế Bộ Công An, Cục Quân Y Bộ Quốc phòng, đại diện các Vụ/Cục, các Viện/Bệnh viện/Trường đại học thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, đại diện các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan truyền thông báo chí. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của của các đồng chí Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Lãnh đạo các Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trên địa bàn tại điểm cầu 63 tỉnh, TP tại các điểm cầu trên khắp cả nước.
Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong những năm qua, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp cùng sự tham gia của các cấp chính quyền, các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, một số dịch bệnh đã có sự gia tăng trở lại như: bệnh cúm gia cầm sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc cúm gia cầm trên người, từ năm 2022 đến nay chúng ta ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có 1 ca tử vong do cúm gia cầm (1 ca trong năm 2022 và 1 ca trong tháng 3 năm 2024), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước. Vì vậy vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người; cùng với đó là bệnh Dại luôn ghi nhận có số tử vong cao (100% số mắc là tử vong), năm 2023 ghi nhận 82 trường hợp tử vong, riêng 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 ca tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~170%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước).
Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế
Theo báo cáo từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023, cả nước có 21 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 11 tỉnh, buộc tiêu hủy 40.606 con gia cầm, giảm trên 60% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 06 ổ dịch CGC A/H5N1 xảy ra tại 06 tỉnh (bao gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), buộc tiêu hủy 8.924 con gia cầm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. So sánh cùng kỳ năm 2023: Tăng 1 tỉnh, thành phố có dịch; số gia cầm mắc bệnh tăng 24,9%, số gia cầm chết và tiêu hủy tăng 25,6%. Hiện nay, cả nước không có ổ dịch CGC A/H5N1 chưa qua 21 ngày. Năm 2023, cả nước xảy ra 347 ca bệnh Dại trên động vật (tăng 2.6 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 202 xã thuộc 106 huyện của 31 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022). Số ca bệnh Dại trên động vật được phát hiện nhiều nhất tại tỉnh Phú Thọ (54 ca), Quảng Ninh (38 ca) và Cà Mau (41 ca). Từ ngày 01/01 – 25/3/2024, cả nước ghi nhận 56 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố; số chó, mèo mắc bệnh 86 con; số chó, mèo chết và tiêu hủy 192 con. Hiện nay, cả nước có 22 xã thuộc 19 huyện của 13 tỉnh chưa qua 21 ngày với số mắc bệnh là 24 con, tổng chết và tiêu hủy là 115 con.
TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố (tăng 12 trường hợp so với năm 2022), nhiều nhất là tại các tỉnh Gia Lai, Bình Phước, Bến Tre, Nghệ An, Điện Biên. 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Từ đầu năm 2024 đến ngày 24/03/2024, cả nước đã xảy ra 27 ca tử vong trên người do bệnh Dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca), số người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh Dại đã trên 100.000 người (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).
Dịch cúm A (H5N1): Ghi nhận lần đầu vào năm 2003, Việt Nam là 1 trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới. Cao điểm nhất là giai đoạn 2004-2009 ghi nhận 112 trường hợp bệnh, trong đó có 57 ca tử vong. Tháng 10/2022 ghi nhận trường hợp cúm A (H5) trên người mới nhất kể từ tháng 2/2014 (Phú Thọ). Tháng 3/2024 ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A (H5N1) tại Khánh Hòa. Tích lũy đến nay Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong (~50%). Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh Cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), A (H5N8) và A (H9N2) trên người.
Điểm cầu Bộ Y tế
Các điểm cầu tại địa phương
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương chia sẻ trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch 2024 và triển khai tới các tỉnh, thành phố, trong đó có công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Trong thời gian gần đây, khi bệnh Dại gia tăng trên các đàn chó và ở người, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1028/BYT-DP ngày 15/3/2024 về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dại. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển tái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam, đồng thời, khi ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1) ở người tại Khánh Hòa năm 2024, Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và xử lý triệt để ổ dịch cúm A (H5N1).
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch, trong đó có cả các bệnh lây truyền từ động vật sang người là công việc thường xuyên, liên tục, không phải chờ đến khi dịch bệnh xảy ra mới triển khai các biện pháp đáp ứng. Đồng thời công tác phòng chống dịch mang tính liên ngành, cần có sự tham gia chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, của người dân. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:
– Triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
– Thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế, tăng cường giám sát dịch tễ tại những vùng có ổ dịch cũ và những vùng có nguy cơ xảy ra dịch trên địa bàn toàn tỉnh, xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh.
– Phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, đáp ứng và trong xử lý các ổ dịch, không để dịch bùng phát.
– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để phòng bệnh, đặc biệt đối với bệnh Dại và cúm gia cầm, lưu ý truyền thông theo nhóm nguy cơ tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức và bằng nhiều thứ tiếng phù hợp với từng địa phương.
– Đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại. Đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng.
– Thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực… phục vụ cho các hoạt động phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Nguyễn Trang