Chấm dứt tình trạng rò âm đạo – trực tràng
Vừa qua, Khoa phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu – Bệnh viện TWQĐ 108 đã khám và điều trị thành công cho người bệnh nữ 40 tuổi N.H.H (Hải Dương) nhập viện tình trạng chảy dịch phân qua âm đạo.
Vừa qua, Khoa phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu – Bệnh viện TWQĐ 108 đã khám và điều trị thành công cho người bệnh nữ 40 tuổi N.H.H (Hải Dương) nhập viện tình trạng chảy dịch phân qua âm đạo.
Chị N.H.H sau phẫu thuật bóc tuyến Batholin (là một tuyến nhỏ, dạng hình cầu, đường kính khoảng 1cm, nằm ở dưới da trong hai bên âm đạo) ở Bệnh viện tuyến dưới, xuất hiện tình trạng chảy dịch phân qua âm đạo. Người bệnh vào Bệnh viện TWQĐ 108 khám và phát hiện lỗ thông thương lớn giữa âm đạo và trực tràng vị trí 11h ống hậu môn. Người bệnh được chẩn đoán rò trực tràng âm đạo sau phẫu thuật cắt tuyến Batholin. Người bệnh được điều trị chống viêm nhiễm trước phẫu thuật (kháng sinh, nhịn ăn, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, thụt tháo, vệ sinh sạch sẽ vùng tầng sinh môn).
Sau 2 tuần, người bệnh được phẫu thuật đóng lỗ rò trực tràng âm đạo có chuyển vạt Martius, làm dẫn lưu hồi tràng. Sau khi vết mổ tầng sinh môn liền tốt, trương lực, phản xạ cơ thắt hậu môn bình thường, người bệnh được tiến hành phẫu thuật đóng dẫn lưu hồi tràng. Sau phẫu thuật 6 ngày, lâm sàng của người bệnh ổn định, đại tiểu tiện bình thường được cho ra viện.
TS.BS Hồ Hữa An – Khoa Phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu cho biết rò trực tràng âm đạo là một vấn đề cực kỳ phức tạp ít phụ nữ gặp phải và là một thách thức, ngay cả đối với các bác sĩ phẫu thuật sàn chậu.
Trước khi ra viện chị N.H.H chia sẻ: “Đến với Khoa Phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu, Bệnh viện TWQĐ 108, tôi được bác sĩ trao đổi tận tình về phác đồ điều trị và diễn tiến của việc điều trị. Giờ đây tôi có thể quay trở lại đại tiện bình thường như bao người mà không bị chảy phân như trước kia nữa. Cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện TWQĐ 108 nhiều lắm”.
Bác sĩ thăm khám người bệnh trước khi ra viện
Chẩn đoán rò trực tràng – âm đạo thường được đưa ra dựa trên tiền sử và khám vùng sàn chậu sau khi người bệnh có triệu chứng phân, khí hoặc dịch tiết có mùi từ âm đạo, hoặc có các biểu hiện khác như đau khi quan hệ, đau tầng sinh môn và nhiễm trùng âm đạo tái phát.
Tuỳ vào mức độ tổn thương của đường rò sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau như điều trị bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa. Phẫu thuật đối với rò âm đạo trực tràng đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm để đưa ra những phương pháp phù hợp với từng tổn thương khác nhau để đảm bảo tỷ lệ thành công cao nhất.
TS.BS Hỗ Hữu An khuyến cáo nếu xuất hiện các triệu chứng như trên nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa và trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Rò trực tràng âm đạo được định nghĩa là thông thương bất thường giữa thành trực tràng và âm đạo, có tỷ lệ mắc bệnh từ 0,3% đến 6%. Nguyên nhân hay gặp của rò trực tràng – âm đạo trên toàn thế giới vẫn là chấn thương sản khoa. Ở các quốc gia công nghiệp hóa thì các nguyên nhân như: bệnh viêm ruột, chấn thương sản khoa và chấn thương phẫu thuật là những nguyên nhân phổ biến. Ngoài ra, có thể gặp sau xạ trị vùng tiểu khung ở một số bệnh lý như ung cổ tử cung, trực tràng. Nguyên nhân chấn thương sau phẫu thuật bao gồm các thủ thuật, phẫu thuật của âm đạo sau, tầng sinh môn hoặc trực tràng trước, cắt bỏ tử cung qua đường âm đạo, phẫu thuật sa trực tràng, cắt trĩ, cắt khối u trực tràng tại chỗ và phẫu thuật cắt trực tràng trước thấp. |
TS.BS Hồ Hữu An, Khoa Phẫu thuật Hậu môn, Trực tràng và Sàn chậu, Bệnh viện TWQĐ 108