Hotline: +84 0777. 943. 888

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

02/11/2024 15:25

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Giangdayatgt1 638012440297745711 1703237759016

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó, việc bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh; chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Từng bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát lại các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; xác định rõ các nội dung, biện pháp và trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong lứa tuổi học sinh phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn phụ trách.

Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát lại các chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trong các cấp học, các nhà trường để bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm tương xứng với tính chất quan trọng của việc xây dựng văn hoá giao thông cho thế hệ tương lai của đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông…) và yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội.
Đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành giáo dục phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, nhà trường, lớp học, từng giáo viên trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, đưa nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, các cơ sở giáo dục, cán bộ, nhân viên, giáo viên và đánh giá, xếp loại hạnh kiểm đối với học sinh trong từng học kỳ, năm học. Tổ chức ký cam kết thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với các hình thức phù hợp; kiểm điểm, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường hằng năm phải hoàn thành các chỉ tiêu: 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học được tham gia các hoạt động giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; 100% các trường học xây dựng nội dung giáo dục an toàn giao thông lồng ghép vào các môn học trong chương trình chính khóa; 100% đội ngũ Tổng phụ trách Đội, Bí thư Đoàn Thanh niên được bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được tham gia các hoạt động gắn công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các đơn vị, trường học và tại nơi cư trú…

Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong nhà trường. Yêu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo trong thực hiện pháp luật giao thông và văn hóa giao thông. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm các địa phương lựa chọn mỗi cấp học 01 cơ sở giáo dục làm điểm về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông làm hình mẫu để nhân rộng, lan toả toàn ngành.

Đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại địa phương đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các khu vực gần cổng trường học để ghi nhận các hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh làm căn cứ xử lý và bình xét thi đua đối với từng lớp học, giáo viên và học sinh.

Rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh. Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện tốt Chương trình phối hợp với ngành giáo dục về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông. Vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh.

Chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho đua xe

Bộ Công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, nhất là những vi phạm có nguy cơ gây tai nạn cho học sinh; đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm trật tự, an toàn giao thông tại các tuyến gần khu vực trường học; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh. Từng địa phương căn cứ tình hình thực tiễn, hằng năm phải có kế hoạch cụ thể để kiểm soát chuyên đề này.

Đối với các tai nạn giao thông liên quan đến học sinh phải khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn và kiến nghị giải pháp phòng ngừa.

Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương, địa phương và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn của học sinh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời ngăn chặn, bóc gỡ, xoá bỏ các thông tin tác động tiêu cực đến học sinh, nhất là nội dung thiếu chuẩn mực, cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng; phối hợp với lực lượng Công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành.

Bộ Giao thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổng rà soát về điều kiện an toàn giao thông và tổ chức giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ qua cổng trường học trên toàn quốc, lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học mất an toàn, lập kế hoạch khắc phục.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; kiểm tra việc thực hiện quy định về bảo đảm an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh theo hình thức hợp đồng.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, ưu tiên nguồn thu từ tiền xử phạt vi phạm giao thông, đấu giá biển số xe và các nguồn tăng thu khác để tăng cường đầu tư cho các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh.

Ưu tiên bố trí trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát tổ chức giao thông tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông.

Trong đó chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như biển báo khu vực trường học, đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học. Khẩn trương khắc phục các “điểm đen” trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tăng cường quản lý chặt chẽ các phương tiện chở khách hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh.

Nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các nhà trường tổ chức phương tiện đưa đón học sinh an toàn; chỉ đạo cơ quan chuyên môn giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn các nhà trường tổ chức xe đưa, đón học sinh phù hợp lứa tuổi, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, bảo đảm an toàn trong suốt chuyến đi; lái xe, quản lý học sinh phải được tập huấn để nắm vững, thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh; bố trí điểm dừng đón, trả tại khu vực trường học và các điểm trên lộ trình đưa đón học sinh bảo đảm an toàn giao thông.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 30/2023/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh và dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; Chiến lược, kế hoạch dài hạn, chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hành động, đề án, dự án quan trọng của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định Dự thảo thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác người Việt Nam ở nước ngoài sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài theo thẩm quyền; chủ trì nghiên cứu, tổng hợp đánh giá và đề xuất các vấn đề có tính dự báo, chiến lược liên quan đến tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thực hiện công tác đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài; vận động thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước; tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ với trong nước; hỗ trợ kết nối đổi mới sáng tạo.

Thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình đất nước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện hợp tác quốc tế liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Thực hiện quản lý đối với các tổ chức xã hội liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác khen thưởng trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm; thực hiện chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Cơ cấu tổ chức

1- Vụ Nghiên cứu tổng hợp.
2- Vụ Thông tin – Văn hóa.
3- Vụ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ.
4- Văn phòng.

Việc ban hành Quy chế làm việc, các quyết định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Ủy ban thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ủy ban có Chủ nhiệm và không quá 04 Phó Chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.

Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban. Các Phó Chủ nhiệm Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chủ nhiệm Ủy ban và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc Ủy ban thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 31/2023/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Biên giới quốc gia trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Ủy ban Biên giới quốc gia (Ủy ban) là cơ quan cấp tổng cục trực thuộc Bộ Ngoại giao, giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Ủy ban Biên giới quốc gia có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền: Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ, dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; dự thảo điều ước quốc tế về hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới quốc gia trên đất liền; phân định biển và điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước; các phương án hoạch định biên giới quốc gia, xác định ranh giới vùng trời và các vùng biển của Việt Nam với các nước láng giềng; xác định phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, các vùng biển, hải đảo của Việt Nam.

Trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định Dự thảo thông tư và các văn bản khác về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia; kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia.

Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.

Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác quản lý nhà nước về biên giới, lãnh thổ theo thẩm quyền. Tổ chức thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia; điều ước quốc tế, văn kiện pháp lý biên giới mà Việt Nam ký kết, tham gia.
Nghiên cứu, đề xuất chủ trương ký kết và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ, các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam với các nước.

Tham mưu, đề xuất và tổ chức đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ với các nước liên quan. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc phân giới, cắm mốc quốc giới trên cơ sở các điều ước quốc tế về biên giới được ký kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng…

Cơ cấu tổ chức

1- Vụ Biên giới đất liền.
2- Vụ Biển.
3- Vụ Chính sách, Pháp lý và Thông tin.
4- Văn phòng.

Việc ban hành Quy chế làm việc, các quyết định quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Ủy ban thực hiện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ủy ban có Chủ nhiệm và không quá 04 Phó Chủ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phân công một Thứ trưởng làm Chủ nhiệm Ủy ban. Chủ nhiệm Ủy ban chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ủy ban.

Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ

Chính phủ ban hành Nghị định 92/2023/NĐ-CP bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ 18 văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Nghị định số 189-HĐBT ngày 4/6/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh lãnh sự.
2. Nghị định số 161/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.
3. Nghị định số 159/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ về cung ứng và sử dụng séc.
4. Nghị định số 42/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ quy định cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng Công an nhân dân.
5. Nghị định số 53/2010/NĐ-CP ngày 19/5/2010 của Chính phủ quy định về địa bàn ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đơn vị hành chính mới thành lập do Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính.
6. Nghị định số 101/2011/NĐ-CP ngày 04/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân.
7. Nghị định số 60/2012/NĐ-CP ngày 30/7/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 29/2012/QH13 ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.
8. Nghị định số 183/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng không Việt Nam.
9. Nghị định số 184/2013/NĐ-CP 15/11/2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
10. Nghị định số 10/2014/NĐ-CP 13/02/2014 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Nam.
11. Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
12. Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ quy định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
13. Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
14. Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
15. Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.
16. Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
17. Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
18. Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bãi bỏ một phần 5 văn bản quy phạm pháp luật

Nghị định bãi bỏ một phần các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Bãi bỏ Điều 23, Điều 24, Điều 25 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
2. Bãi bỏ Điều 10 Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Bãi bỏ khoản 2 Điều 22 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
4. Bãi bỏ khoản 2 Điều 3 Nghị định số 75/2020/NĐ-CP ngày 1/7/20220 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
5. Bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 125/QĐ-HĐPH kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương (Hội đồng).
Quyết định nêu rõ, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao làm Ủy viên Hội đồng thay ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đỗ Đức Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam thay bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam./.