Hotline: +84 0777. 943. 888

Chiến thắng Điện Biên Phủ – Ý nghĩa lịch sử mang tầm vóc thời đại

02/11/2024 15:22

Với 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy trực tiếp của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, góp phần quyết định kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Việt Nam.

Với 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ huy trực tiếp của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, góp phần quyết định kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “Đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỉ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”1. Chiến thắng Điện Biên Phủ là “tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân”, là niềm hi vọng lớn lao và tươi sáng, ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để thủ tiêu chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, “Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân”(2). Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, mà còn là thắng lợi của các dân tộc thuộc địa trên thế giới như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”3.

70 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn mang tầm vóc thời đại và có ý nghĩa lịch sử sâu sâu sắc:

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao

Ngày 25/01/1954, Hội nghị ngoại trưởng 4 nước Liên Xô, Anh, Pháp, Mĩ họp tại Beclin đã đi đến nhất trí sẽ triệu tập hội nghị quốc tế bàn giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Dường như các nước, đặc biệt là Pháp và Mĩ còn nuôi hi vọng, tìm kiếm thắng lợi và sẽ đảo lộn tình hình bằng Kế hoạch Nava. Tuy nhiên, ngay sau khi ra đời, Kế hoạch Nava đã sớm bị đảo lộn và bước đầu phá sản bởi những hoạt động quân sự của quân, dân Việt Nam.

Ngày 13/3/1954, Quân đội Việt Nam mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của Pháp có nguy cơ bị tiêu diệt. Lúc này dư luận tiến bộ trên thế giới không ngừng lên án cuộc chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mĩ tại Đông Dương đã buộc các nước phải triệu tập Hội nghị Giơnevơ vào ngày 26/4/1954 bàn về vấn đề hòa bình ở Triều Tiên. Ngày 7/5/1954, tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, quân Pháp thất thủ hoàn toàn, ngay lập tức ngày hôm sau 8/5/1954, Hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương chính thức khai mạc.

ggg

Hội nghị Gionevo bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Triều Tiên và Đông Dương khai mạc ngày 26/4/1954

Như vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra thế mạnh cho ta trên bàn đàm phán, phía ta đến dự hội nghị với tư cách là người chiến thắng, còn phía Pháp với tư cách là kẻ bại trận, bất lợi. Chiến thắng đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Giơnevơ. Sau hơn hai tháng đàm phán, trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21/7/1954, Pháp và các nước tham dự Hội nghị đã đặt bút ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương: Các nước tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Campuchia; Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương; Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam và đến tháng 7 -1956, tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

Theo PGS. TS người Mĩ C.Lentz Chiến thắng Điện Biên Phủ có tác động cực kỳ to lớn đến cục diện chiến trường Đông Dương, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa Dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17”4

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng. Ngày 01/01/1955, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về tới thủ đô Hà Nội trước sự chào đón nồng nhiệt của hai mươi vạn nhân dân thủ đô. Ngày 16/5/1955, toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi đảo Cát Bà – miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử thế giới hiện đại, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc hùng mạnh, giải phóng dân tộc giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân, ruộng đất cho dân cày. Từ đó tạo tiền đề căn bản cho những thay đổi trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa xã hội, ngoại giao, đời sống nhân dân,… , có điều kiện thuận lợi quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho cách mạng cả nước trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

cq-451-1712740635

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

(Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Theo quy định của Hiệp định Giơnevơ về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương”, sau hai năm kể từ ngày kí hiệp định, Việt Nam sẽ tiến hành hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7/1956. Tuy nhiên, với âm mưu, thủ đoạn “hất cẳng Pháp” để độc chiếm miền Nam chia cắt lâu dài Việt Nam, biến nơi đây thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, cho nên đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp có hành động phá hoại hiệp định. Như vậy, chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một thời kỳ lịch sử hết sức đặc biệt ở Việt Nam: Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc hoàn toàn giải phóng quá độ lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cả nước bước vào cuộc  trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, khó khăn 21 năm nhằm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự xâm lược, thống trị 96 năm của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên toàn thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho Kế hoạch Nava bị phá sản hoàn toàn, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai kéo dài 9 năm của thực dân Pháp (1945 – 1954), 96 năm xâm lược, thống trị của Pháp tại Đông Dương (1858 – 1954). Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ và hi sinh, chúng ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên nửa triệu quân xâm lược của thực dân Pháp, hàng ngàn xe quân sự, hàng trăm máy bay, tàu chiến, các loại pháo…bị phá hủy. Chính phủ Pháp tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ phơ – răng, 2,6 tỷ đô la viện trợ của Mĩ, 8 tổng chỉ huy quân đội Pháp lần lượt thua trận, 20 lần nội các của Pháp sụp đổ, buộc quân đội viễn chinh Pháp phải rút khỏi ba nước Đông Dương. Chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương.

anh2

Chiều 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến – Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Với chiến chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là nước tiên phong đánh đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, mở ra trang mới cho lịch sử nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới thế kỉ XX, buộc Chính phủ Pháp phải xem xét lại vị thế và chính sách của mình đối với các nước thuộc địa và từng bước trao trả độc lập cho nhiều nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi.

Đánh giá về chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân ta chống thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ”. Thắng lợi đó không chỉ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc thuộc địa đang bị chủ nghĩa thực dân đế quốc áp bức bóc lột trên thế giới. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”5.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi là vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vai trò đó được khẳng định qua đường lối chính trị và đường lối quân sự đúng đắn, sáng suốt, kịp thời của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối kháng chiến với phương châm: “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cách sinh” đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, của truyền thống yêu nước, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí độc lập, tự cường dân tộc, quyết chiến quyết thắng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài thao lược của Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được khẳng định qua chủ trương chiến lược trong chiến cuộc Đông – Xuân 1953 – 1954, đặc biệt qua quyết định lịch sử: chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sự phát triển, trưởng thành vượt bậc của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ đội quân nhỏ bé thành lập ngày 22/12/1944 với 34 chiến sỹ, do Võ Nguyên Giáp làm đội trưởng, vũ khí thô sơ lạc hậu. Khi bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946, tuy số lượng phát triển, nhưng phương tiện vũ khí vẫn còn rất lạc hậu, điều đó được thể hiện trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Từ một quân đội luôn trong thế phòng ngự trước sự tấn công của kẻ thù kể từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đến năm 1950 đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quân đội ta khi chủ động mở Chiến dịch Biên giới 1950 thắng lợi. Trước khi chiến dịch diễn ra, Người Pháp và Người Mĩ đều rất tự tin khi cho rằng: Điện Biên Phủ là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”, tuy nhiên, đối phương thực sự bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đầy đủ lương thực, thực phẩm, vũ khí để chiến đấu liên tục trong gần hai tháng trên địa bàn khó khăn, hiểm trở, núi rừng Tây Bắc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng tỏ sức mạnh của Quân đội ta, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết thống nhất dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Đồng thời làm sáng ngời chân lý: Một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ nhưng biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, biết vũ trang toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân, được bạn bè và nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ, ắt giành thắng lợi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân của Pháp tại Đông Dương mà còn trở thành nguồn cổ vũ, động viên, thức tỉnh các dân tộc thuộc địa ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ La tinh vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình.

Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một quốc gia từng là thuộc địa, vừa mới thành lập, tiềm lực nhỏ yếu, trang bị vũ khí thô sơ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy tài tình của “Người Anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã biết phát huy những lợi thế của mình, khoét sâu vào những điểm yếu của kẻ thù, từng bước đánh bại đội quân xâm lược hùng mạnh, tối tân hàng đầu thế giới với sự viện trợ của nước Mỹ. Điện Biên Phủ là một thất bại thảm hại đối với thực dân Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung, Điện Biên Phủ chính là con bài Domino đầu tiên kéo theo sự sụp đổ các con bài Domino của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên khắp thế giới.

Tiếng vang, dư âm của Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau nhiều thập kỉ tiếp theo, với hàng loạt nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mĩ Latinh lần lượt giành được độc lập như: Cách mạng Cuba 1959, 17 nước châu Phi giành độc lập năm 1960,…

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà sử học Anh, Martin Windrow cho rằng: “Lần đầu tiên một phong trào độc lập ngoài châu Âu phát triển từ lực lượng du kích đã đánh bại một quốc gia xâm lược châu Âu trong một trận chiến”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ là biểu tượng của tinh thần quyết tâm tự lực, tự cường, chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam”.

Nhà nghiên cứu người Anh Peter Hunt thuộc Đại học King’s College London nhận định: “Điện Biên Phủ đã làm thay đổi cả châu Á và ảnh hưởng của nó còn kéo dài tới ngày nay”. Hãng tin Pháp AFP khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã “thổi bùng phong trào độc lập tại nhiều quốc gia thuộc địa trên khắp thế giới”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho khát vọng giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới, trước hết là các dân tộc châu Á. Tờ Tin tức của Indonesia, số ra ngày 11/5/1954 cho rằng, việc giải phóng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của Việt Nam mà còn “chứng minh nhân dân châu Á có đủ khả năng kết thúc lịch sử của thực dân âm mưu dùng lực lượng vũ trang để thực hiện tham vọng của mình”.

Bẩy mươi năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đã để lại ý nghĩa, giá trị lịch sử sâu sắc mang tầm vóc thời đại đã, đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục cổ vũ toàn Đảng, toàn Dân và toàn quân ta không ngừng quyết tâm, phấn đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

  • Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì CNXH tiến lên giành thắng lợi mới, NXB Sự thật, H.,1970, tr.50.
  • Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Sđd, tr.367.
  • Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Sđd, tr.271.
  • Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ – Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.200.
  • Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Sđd, tr.315.

Vũ Văn Chương

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888