Chủ tịch Hồ Chí Minh với giáo dục và đào tạo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước.
Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí là một trong những “ham muốn tột bậc” của Người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1).
Trong 24 năm làm Chủ tịch nước (1945 – 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết 23 bức thư gửi ngành giáo dục và có nhiều bài nói chuyện trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trong đó luôn nhấn mạnh vị trí vai trò của giáo dục, những nhiệm vụ mà ngành giáo dục nước nhà cần phải thực hiện, trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo, của mỗi học sinh – sinh viên đối với sự nghiệp giáo dục nói riêng, sự nghiệp cách mạng cả nước nói chung.
(Ảnh tư liệu)
Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có 2 nhiệm vụ đề cập đến vấn đề giáo dục: “… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ…; Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách: Cần, Kiệm, Liêm, Chính…” (2).
Trong bức thư đầu tiên gửi ngành giáo dục nhân ngày khai giảng năm học mới đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tính ưu việt của chế độ mới sẽ đem lại cho lớp trẻ một nền giáo dục phát triển hoàn toàn Việt Nam: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em…” (3). Người khẳng định, để có được nền giáo dục đó là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài, gian khổ, hy sinh biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu của đồng bào: “Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em”. Đồng thời, Người chỉ ra trách nhiệm của các em học sinh cần phải làm gì để đền đáp công ơn của biết bao người đã cống hiến hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, đưa Việt Nam phát triển hùng cường: “Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà. Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn” (4). Người nhấn mạnh: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đại vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (5).
Trong bài viết Chống nạn thất học đăng trên Báo cứu quốc, số 58 ngày 4/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ thực trạng của giáo dục Việt Nam sau hơn 80 năm bị đô hộ, đồng thời khẳng định đất nước muốn đảm bảo độc lập, muốn phát triển tiến bộ thì phải nâng cao dân trí: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí… Muốn giữ vững nền độc lập, Muốn làm cho dân mạnh nước giàu, Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà,…” (6).
(Ảnh tư liệu)
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục phải đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Giáo dục phải vì sự phát triển con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải tạo ra những công dân tốt, cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mọi người phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ” (7). Giáo dục có quan hệ đến hưng thịnh, suy vong của đất nước, đến thế hệ cách mạng đời sau: “Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến các thế hệ sau”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải thực hiện một nền giáo dục toàn diện, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới trong bối cảnh chung của thế giới. Nội dung của giáo dục phải bao gồm cả văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp, các ngành nghề liên quan trực tiếp tới công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên qua tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thư gửi các em học sinh cả nước, ngày 24/10/1955, Người nhấn mạnh giáo dục phải được thực hiện thông qua 4 nội dung: “Thể dục: Để làm thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ vệ sinh riêng và vệ sinh chung. Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công” (8).
Trong sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà thì việc định hướng nhiệm vụ cho từng cấp học là việc làm cần thiết. Trên cơ sở đó, trong thư Gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng cả nước, ngày 31/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng nhiệm vụ cho từng cấp học: “Đối với Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” (9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của giáo dục đạo đức được coi đây là gốc rễ, là nền tảng của giáo dục vì: “Giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản,… thì còn làm nổi việc gì?”. Nhân dịp về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964, trong buổi nói chuyện với thầy, trò nhà trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.
Trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên bắt đầu năm học mới”, đăng trên Báo Nhân Dân số 5299, ngày 16/10/1968 (đây cũng là bức thư cuối cùng Bác gửi ngành giáo dục), Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những thành tích mà ngành giáo dục đã đạt được trong hoàn cảnh đất nước còn rất nhiều khó khăn bởi cuộc chiến tranh xâm lược, phá hoại của Mỹ gây ra. Đồng thời khẳng định giáo dục là sự nghiệp của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cần thường xuyên phát huy sức mạnh tập thể, vượt qua gian khó hoàn thành nhiệm vụ: “Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng; và cũng do các cô, các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ,… Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt,… Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầu đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó” (10).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục chính là động lực thúc đẩy đất nước cất cánh, phát triển bền vững, Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo công tác giáo dục đào tạo, coi “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Nhờ vậy, đến nay, cả nước có hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, khoảng 1,5 triệu cán bộ, giáo viên; mỗi năm Việt Nam chi 20% ngân sách quốc gia cho giáo dục. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành giáo dục đã từng bước triển khai nhiều hoạt động nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với nhiều kết quả đáng khích lệ như: Đội ngũ thầy cô giáo ngày càng lớn mạnh về số và chất lượng, đam mê với sự nghiệp trồng người; các em học sinh sinh viên luôn ý thức được vai trò của mình là người chủ tương lai của đất nước, không ngừng phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”, ý chí tự lực tự cường, vượt khó đi lên, không ngừng thi đua “học tập tốt, rèn luyện tốt”. Giáo dục Việt Nam thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu, thể hiện qua các thành tích mà học sinh Việt Nam đã đạt được trên đấu trường quốc tế: Năm 2019, Việt Nam nằm trong tốp đầu tại kỳ thi Olympic Toán học và Khoa học quốc tế với 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 7 huy chương đồng; Năm 2020, 100% học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt giải với 9 huy chương vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 Bằng khen; Năm 2021, Việt Nam nằm trong tốp 10 thành tích thi Olympic với 12 huy chương Vàng, 13 huy chương Bạc, 10 huy chương Đồng và 2 Bằng khen; Năm 2022, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với 100% học sinh dự thi đạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen.
Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024
Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, Bộ trưởng giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học tới: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh; Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Tư tưởng đó chính là nền tảng tư tưởng cho việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021): “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” (11).
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 187.
(2) Sdd, t.4, tr.7.
(3) Sdd, t.4, tr.34.
(4) Sdd, t.4, tr.35.
(5) Sdd, t.4,tr.35
(6) Sdd, t.4, tr.40.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr. 528.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.10, tr. 175.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 186.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.15, tr. 507,508
(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.136-137.
Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng