Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Từ những ngày đầu ra đời Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã rất ủng hộ, hầu hết các hội nghị do Hội tổ chức, ông đều nhận lời đến dự và phát biểu ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết.
Từ những ngày đầu ra đời Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã rất ủng hộ, hầu hết các hội nghị do Hội tổ chức, ông đều nhận lời đến dự và phát biểu ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết.
Nhân dịp Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài phát biểu quan trọng của đồng chí cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tại Hội thảo Khoa học về Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngày 12/3/2011.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
“Đầu tư cho con người là đầu tư cho sự phát triển của đất nước”
Chúng ta đang xây dựng nước Việt Nam thành một nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”. Bác Hồ kính yêu đã dạy: Muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa phải là con người có sức khỏe, có trí tuệ, có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần quốc tế cao cả. Con người là động lực của xã hội. Mọi mục tiêu đề ra của Đảng và Chính phủ có thành hiện thực hay không đều do con người, tức là do quần chúng Nhân dân quyết định.
Ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công năm 1945, nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam non trẻ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong nhiệm vụ đề ra đã khẳng định diệt bằng được ba loại giặc: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Điều này đã nêu rõ mục tiêu của Trung ương Đảng và Chính phủ trong những ngày vận mệnh của đất nước trước quân xâm lược như “ngàn cân treo sợi tóc” vẫn đặt mục tiêu chống giặc đói, giặc dốt lên hàng đầu, tức là chăm lo cho sức khỏe và trí tuệ của con người lên hàng đầu. Rồi những năm chống thực dân Pháp, xâm lược Mỹ, Đảng ta vẫn đặt nhiệm vụ bồi dưỡng sức dân, chăm lo công tác y tế, giáo dục để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chính sách đúng đắn đó đã giúp chúng ta có thêm sức mạnh, có thêm trình độ và ý chí để quyết chiến và đã quyết thắng hết kẻ thù này đến kẻ thù khác, đưa non sông về một mối.
Đất nước ta đang bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Chúng ta đang bước vào thiên niên kỷ mới với cả thế và lực mới. Quyết tâm chính trị của Đảng đề ra rất cao. Đương nhiên, cùng với các mục tiêu chính trị để thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Chính phủ cũng đề ra và thực hiện những chính sách chăm lo cho con người về kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường theo mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài”. Cùng với những chủ trương của Đảng và Nhà nước thì chủ trương xã hội hóa trong việc thực hiện các mục tiêu cũng được khuyến khích. Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam được thành lập cũng để thực hiện thắng lợi chủ trương đó. Với tư cách là một tổ chức xã hội tự nguyện chăm lo giáo dục, chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, tôi tin rằng Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam sẽ được sự ủng hộ cuả các tổ chức, cá nhân, những nhà tài trợ, những tổ chức nhân đạo, từ thiện trong và ngoài nước. Về phần mình, hội phải bằng hoạt động thiết thực trên tinh thần nhân đạo, không vụ lợi để cùng Đảng và Nhà nước tuyên truyền giáo dục quần chúng ở khắp các vùng, miền của đất nước gắn việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống với việc chăm lo bảo vệ môi trường, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư mà Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động. Đất nước ta đã ra khỏi các cuộc chiến tranh trên 30 năm nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn nặng nề, là di chứng của chất độc màu da cam đang đau đớn không ít các cựu chiến binh và con cháu của họ.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam lần thứ 2 khóa I
Trong khi lo chung cho toàn cộng đồng, hội cần có chính sách huy động tài trợ và chăm lo tốt cho các đối tượng này để giảm bớt khó khăn cho những gia đình chính sách, những gia đình, những người “có công với nước”. Hiệu quả thiết thực nhất đối với việc giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng là từ cơ sở, từ các điểm dân cư, nhất là bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người. Xây dựng nông thôn mới tức là nông thôn XHCN, ở đây người dân bằng sự đầu tư của Nhà nước, bằng sự góp công, góp sức của mình đã đón nhận và thụ hưởng những thành quả của sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đây cũng là địa bàn mà Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cần tập trung hoạt động của mình để tính chất cộng đồng được người dân hiểu rõ và hưởng ứng.
Đầu tư cho con người là đầu tư vào nguồn lực giữ vai trò chủ thể của sự phát triển đất nước. Tôn chỉ, mục đích của Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, cũng tức là đầu tư vào con người, cho con người, bởi vậy, chắc chắn hoạt động của hội không những được sự ủng hộ của các tổ chức chính trị – xã hội khác mà còn được sự ủng hộ của toàn xã hội. Hội càng hoạt động tốt thì chính sách “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài” của Đảng và Nhà nước càng phát huy hiệu quả, đất nước ta càng sớm đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Tôi xin chúc Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh, sớm trở thành một trong những người bạn thân thiết của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Ban Biên tập Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng