Hotline: +84 0777. 943. 888

Dùng thuốc không kê đơn cần lưu ý điều gì?

02/11/2024 15:54

Thực trạng người dân tự chẩn đoán bệnh và mua thuốc về uống mà không cần bác sĩ kê đơn diễn ra rất phổ biến. Điều này có thể dẫn đến những nguy cơ, thậm chí biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Thực trạng người dân tự chẩn đoán bệnh và mua thuốc về uống mà không cần bác sĩ kê đơn diễn ra rất phổ biến. Điều này có thể dẫn đến những nguy cơ, thậm chí biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

Các bác sĩ, dược sĩ khẳng định, mỗi loại thuốc đều có lợi ích và rủi ro, để đảm bảo sử dụng thuốc một cách an toàn, người dân cần lưu ý một số nguyên tắc và tham khảo bài viết dưới đây:

Thuoc 1 16473349747851654769816

1. Thuốc không kê đơn là gì?

Thuốc không kê đơn (OTC) là loại thuốc bạn có thể mua ở hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Thuốc không kê đơn có nhiều dạng khác nhau, bao gồm thuốc viên, kem bôi da và thuốc nhỏ mắt.

Thuốc không kê đơn thường được sử dụng để điều trị:

+ Sốt (nếu sốt khiến con bạn khó chịu);

+ Ho và cảm lạnh (ở trẻ em trên 6 tuổi);

+ Dị ứng;

+ Phát ban ở da, hăm do tã hoặc phát ban;

+ Tiêu chảy hoặc táo bón;

+ Một số loại thuốc không kê đơn có thể chữa khỏi các tình trạng (chẳng hạn như phát ban), nhưng nhiều loại chỉ điều trị các triệu chứng trong thời gian ngắn.

2. Làm thế nào để biết liều lượng thuốc chính xác cho con tôi?

Để tìm ra liều lượng chính xác, bạn cần xem tờ hướng dẫn “Thông tin Thuốc” đi kèm trong hộp thuốc. Phần “Liều lượng và cách dùng” cho bạn biết lượng thuốc cần sử dụng và tần suất sử dụng.

Liều có thể phụ thuộc vào cân nặng của con bạn. Nếu bạn không biết cân nặng của trẻ, hãy sử dụng liều lượng theo độ tuổi của trẻ.

Để cung cấp cho con bạn liều lượng chính xác, nên:

– Sử dụng dụng cụ định lượng đi kèm với thuốc. Nếu thuốc không có dụng cụ định lượng, hãy hỏi dược sĩ bán ở nhà thuốc, bác sĩ hoặc y tá.

– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc mọi lúc, ngay cả khi bạn đã cho trẻ dùng thuốc trước đó. Thuốc có thể có nhiều hàm lượng khác nhau. Ngoài ra, các hãng thuốc cũng thay đổi tên thuốc và liều lượng.

– Tuân thủ cẩn thận theo các hướng dẫn dùng thuốc. Không cho trẻ uống nhiều thuốc hơn chỉ dẫn. Cho trẻ uống thêm thuốc sẽ không làm trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và có thể gây ra các vấn đề về tác dụng phụ nghiêm trọng.

3. Thuốc không kê đơn có thể gây ra tác dụng phụ không?

– Có. Thuốc không kê đơn có thể gây ra các tác dụng phụ.

– Các tác dụng phụ phụ thuộc vào loại thuốc.

– Trẻ em dễ bị mắc tác dụng phụ của thuốc không kê đơn hơn người lớn.

4. Tôi có thể cho con tôi dùng 2 hoặc nhiều loại thuốc OTC cùng một lúc không?

Điều này phụ thuộc vào loại thuốc và hoạt chất của thuốc. Hoạt chất là một phần của thuốc điều trị các triệu chứng. Mỗi loại thuốc đều có ít nhất một hoạt chất.

Để biết hoạt chất của thuốc là gì, hãy xem tờ “Thông tin Thuốc” ở mục “Thành phần”. Điều quan trọng là phải đọc tờ “Thông tin thuốc” một cách cẩn thận, vì các loại thuốc điều trị các tình trạng bệnh lý khác nhau có thể có cùng thành phần hoạt chất. Ví dụ, thuốc hạ sốt và ho; và thuốc cảm cúm có thể có cùng một thành phần hoạt chất.

Lưu ý không cho trẻ dùng 2 loại thuốc có cùng hoạt chất vì có thể quá liều và gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

5. Khi nào tôi nên đưa con đi khám bác sĩ?

Bạn nên đưa con đi khám bác sĩ nếu:

+ Con của bạn gặp các tác dụng phụ do thuốc không kê đơn.

+ Các triệu chứng của con bạn không thuyên giảm hoặc trở nên xấu hơn hơn sau khi sử dụng thuốc không kê đơn.

6. Tôi còn phải làm gì nữa đây?

Bạn nên:

– Nói chuyện với bác sĩ của con bạn về các loại thuốc OTC khi khám sức khỏe định kỳ, trước khi con bạn bị ốm. Hãy hỏi bác sĩ những loại thuốc bạn nên sử dụng, khi nào sử dụng và cách sử dụng thuốc đó. Bằng cách đó, khi con bạn bị ốm, bạn sẽ biết phải làm gì.

– Đặt câu hỏi nếu bạn không chắc chắn nên sử dụng loại thuốc nào hoặc cách sử dụng nó. Bạn có thể hỏi dược sĩ hoặc bác sĩ của con bạn.

– Chọn một loại thuốc chỉ điều trị các triệu chứng hoặc tình trạng của con bạn mắc phải.

– Đậy chặt thuốc và bảo quản xa tầm tay của trẻ.

– Vứt bỏ thuốc đã hết hạn sử dụng (bị hỏng).

– Dạy con bạn rằng uống thuốc không như ăn kẹo và uống quá nhiều thuốc có thể gây nguy hiểm.

Và cần lưu ý một số mẹo an toàn khác:

– Không cho con bạn uống thuốc dành cho người lớn mà không tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ.

– Không cho trẻ em dưới 6 tuổi uống thuốc ho và cảm cúm. Thuốc ho và cảm cúm có thể gây ra tác dụng phụ ở trẻ nhỏ. Hơn nữa, thuốc không có khả năng giúp giảm các triệu chứng.

– Không cho trẻ em dưới 18 tuổi uống Aspirin. Vì Aspirin có thể gây ra một tình trạng đe dọa tính mạng được gọi là hội chứng Reye ở trẻ em.

TS.DS Nguyễn Trang Thúy – Bệnh viện Đh Y Hà Nội

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888