Hà Nội đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết, ngày 15/1, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa; đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết, ngày 15/1, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2024.
Ngoài ra, Kế hoạch đảm bảo việc quản lý và tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật; phù hợp với thuần phong mỹ tục, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân; bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và du lịch trên địa bàn Thành phố. Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội để tri ân, tưởng nhớ công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(Ảnh: Kinh tế đô thị)
Nội dung thực hiện là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường trong hoạt động lễ hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng lối sống, ứng xử văn minh trong gia đình, cộng đồng và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm, giảm bớt những hiện tượng phản cảm trong văn hóa ứng xử, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cụ thể như: Tổ chức sắp xếp hợp lý các dịch vụ phục vụ du khách; Khuyến khích mỗi di tích chỉ đặt một lư hương chung phục vụ người hành lễ, khách tham quan và người hành lễ không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài vào tiền lẻ vào đồ lễ, tượng Phật cũng như các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích; Bố trí nơi chứa rác thải, nhà vệ sinh đảm bảo tiện lợi cho Nhân dân; Quy hoạch sắp xếp hệ thống hàng quán dịch vụ khoa học, hợp lý, nơi trông giữ phương tiện giao thông thuận tiện cho Nhân dân; Nghiêm cấm mua bán ấn phẩm văn hóa chưa được phép lưu hành, phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, xóa bỏ các tệ nạn xã hội…
UBND Thành phố yêu cầu việc tổ chức lễ hội phải tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
UBND Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động lễ hội theo thẩm quyền. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, các hành vi mê tín, dị đoan và hướng dẫn các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Thu Hằng