Hà Nội: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ngành y tế
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2023. Báo cáo tập trung vào 5 nội dung chính là công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2023. Báo cáo tập trung vào 5 nội dung chính là công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.
Về công tác phòng chống dịch bệnh
Dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 và có nhiều diễn biến phức tạp.
Cụ thể dịch bệnh sốt xuất huyết, ghi nhận 32.367 ca mắc, 4 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (11.725 ca mắc, 13 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Các đơn vị có nhiều bệnh nhân là Hà Đông (2519), Hoàng Mai (2000), Phú Xuyên (1921), Thanh Oai (1878), Đống Đa (1729), Thanh Trì (1622).
Toàn thành phố có 1757 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 176 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã. Kết quả giám sát týp vi rút Dengue lưu hành (lấy mẫu của các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn), có 14 mẫu dương tính với DEN1, 17 mẫu dương tính với DEN2 và 1 mẫu dương tính với DEN3.
Mặc dù số mắc trong những tuần gần đây có xu hướng giảm nhưng kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Điều này có thể dẫn đến số mắc có thể tăng trở lại và xuất hiện thêm những ổ dịch phức tạp, nhất là khu vực có ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến diễn biến dịch các năm phức tạp.
Người dân lật úp các dụng cụ đọng nước để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Dịch bệnh tay chân miệng có 2531 trường hợp mắc, không có tử vong, tăng 935 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các ca mắc tay chân miệng là tản phát, không ghi nhận ổ dịch phức tạp, hiện 49 ổ dịch đã kết thúc hoạt động.
Các dịch bệnh uốn ván người lớn có 24 ca mắc, 04 tử vong; liên cầu lợn 15 ca mắc, 2 ca tử vong; thủy đậu 2062 ca mắc đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác tiêm chủng phòng chống dịch, có 91,7% đối tượng được quản lý trên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; 5/8 chỉ tiêu đạt tiến độ đề ra là tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh; tiêm vaccine bại liệt cho trẻ đủ 5 tuổi; tiêm vaccine bại liệt cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi; tiêm nhắc BH-HG-UV mũi 4 cho trẻ 18-23 tháng tuổi; tiêm vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ có thai.
Thực hiện mục tiêu 90-90-95 trong phòng chống HIV/AIDS
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 14.441 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống của Hà Nội chiếm 6,5% tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống của cả nước.
Tính đến 31/10/2023, có 70,4% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý, tăng 2,2% so với năm 2022. Trong 10 tháng, có 364 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, đạt 72,8% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu là 500 trường hợp cần được phát hiện).
Thực hiện chỉ tiêu điều trị ARV, số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV là 13.448/14.441 (93,1%).
Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế/tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng vi rút là 7541/7695 (98%). Tỷ lệ này tương đương với cùng kỳ năm 2022 (năm 2022 là 98,6%).
Triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 13 cơ sở, có 8.361 khách hàng được sử dụng ít nhất 01 lần dịch vụ PrEP đạt 98,3% kế hoạch.
Duy trì điều trị Methadone tại 23 cơ sở (19 cơ sở thuộc ngành y tế quản lý, 04 cơ sở thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý), hiện đang điều trị cho 4962 bệnh nhân, (đạt 93,6% so với chỉ tiêu giao).
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về công tác quản lý ATTP bếp ăn tập thể; tập huấn về thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm; hướng dẫn các biện pháp chuyên môn kỹ thuật triển khai bữa cỗ tập trung đông người; công tác quản lý ATTP cho lãnh đạo, cán bộ y tế, người tham gia chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học.
Ngành y tế tích cực kiểm tra, giám sát về ATTP
Từ đầu năm đến nay, ngành y tế đã kiểm tra, giám sát ATTP tại 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở các lễ hội trên địa bàn 30/30 quận, huyện, thị xã.
Kiểm tra, giám sát ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể 10 quận, huyện, lấy mẫu để xét nghiệm.
Từ đầu năm đến nay hơn 500 cơ sở thực phẩm đã được thanh tra, hậu kiểm. Quá trình thanh kiểm tra cho thấy các cơ sở thường có các lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định…
Đảm bảo công tác Dân số – KHHGĐ, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng
Phần lớn các chỉ tiêu về công tác dân số đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh là 111 trẻ trai/100 trẻ gái (chỉ tiêu 112/100); 84.985 phụ nữ được siêu âm sàng lọc trước sinh, chiếm 89,49% (chỉ tiêu 83%); 71.365 trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh, đạt 89,98% (chỉ tiêu 88%). Tỷ lệ cặp nam nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là 53,4% (chỉ tiêu 50%). Tổng số người sử dụng các biện pháp tránh thai mới là 431.757, đạt 109,3%. Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ là 1.315.380, đạt 85,11% (chỉ tiêu 87%).
Về công tác phòng chống suy dinh dưỡng, tính đến 31/10/2023, tỷ lệ cân để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ tại 30 quận, huyện đạt 97,6%; đo là 97,8% (chỉ tiêu >95%). Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,53% (chỉ tiêu 6,9%); thể thấp còi là 10,05% (chỉ tiêu 10,3%).
Từ nay đến hết năm 2023, ngành y tế tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống dịch, phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo ATTP, thực hiện tốt công tác Dân số -KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành.
Thu Hằng