Hotline: +84 0777. 943. 888

Hỏi – đáp về chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam: Ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin lên con người

02/11/2024 15:29

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với con người và môi trường Việt Nam.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam, gây hậu quả vô cùng nặng nề đối với con người và môi trường Việt Nam.

Trong đó, có nhiều hệ sinh thái bị phá hủy bởi chất độc da cam (CĐDC) chưa thể phục hồi; nhiều thế hệ người Việt Nam phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thân do bị nhiễm CĐDC. Dưới đây là những ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin lên con người.

Phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin là gì?

Phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin là sự tiếp xúc với loại chất độc này. Sự tiếp xúc này có thể là tiếp xúc trực tiếp do bị rải trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dioxin ở vùng có tồn lưu dioxin cao trong môi trường. Cũng có thể sự tiếp xúc là gián tiếp thông qua con đường qua ăn uống.

Phơi nhiễm trực tiếp là tiếp xúc trực tiếp, phơi nhiễm gián tiếp là tiếp xúc gián tiếp.

Thế nào là nhiễm độc dioxin cấp tính?

Là loại nhiễm độc xảy ra do phơi nhiễm cấp tính với liều lượng cao dioxin trong thời gian ngắn (dưới 14 ngày) và gây hậu qủa nghiêm trọng cho sức khỏe.

Thế nào là nhiễm độc dioxin mạn tính?

Nhiễm độc mạn tính là loại nhiễm độc xảy ra do phơi nhiễm dioxin với liều lượng thấp, xảy ra thường xuyên, trong thời gian dài (trên 365 ngày). Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và khó nhận biết các biểu hiện nhiễm độc.

Làm thế nào để nhận biết được người bị nhiễm độc dioxin?

Nhận biết người bị nhiễm dioxin là một việc hết sức khó khăn, phức tạp và tốn kém. Bằng sự kết hợp nghiên cứu dịch tễ học cộng đồng, phân tích hàm lượng dioxin trong máu hay mỡ, trong sữa mẹ, nghiên cứu đặc điểm môi trường, đặc điểm cơ thể và những nghiên cứu chuyên môn khác mới có thể đánh giá được khả năng bị nhiễm dioxin của người. Công việc này phải do các cơ quan chuyên môn trình độ cao tiến hành với chi phí rất lớn.

Ai được coi là nạn nhân chất độc da cam/dioxin?

Nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin, có các biểu hiện bệnh lý hoặc có hậu quả trên các thế hệ sau liên quan đến sự phơi nhiễm dioxin.

Ảnh: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng

Ảnh: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng

Người bị phơi nhiễm và người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác nhau như thế nào?

Người bị phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin là người không có biểu hiện bệnh lý liên quan và không gây hậu quả cho các thế hệ sau.

Người là nạn nhân là người bị phơi nhiễm với chất độc da cam/dioxin có biểu hiện bệnh lý liên quan hoặc gây hậu quả cho các thế hệ sau.

Trẻ em có dễ bị nhiễm độc dioxin hơn người lớn không? Tại sao?

Trẻ em rất nhạy cảm với các hóa chất độc hại so với người lớn, dễ bị bệnh hơn so với người lớn, nghĩa là nồng độ dioxin huyết thanh gây bệnh thấp hơn nồng độ gây bệnh ở người lớn.

Khả năng bị tổn thương thường phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của cơ thể. Trẻ em bị phơi nhiễm dioxin thường dễ bị các bệnh sau đây: Ban Chlor; bệnh lý hệ thống thần kinh ngoại biên; một số bệnh ung thư; rối loạn hệ thống miễn dịch; rối loạn phát triển hệ sinh dục gây rối loạn chức năng sinh sản.

Tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin là gì?

Tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một vấn đề phức tạp. Hiện nay thống nhất chấp nhận như sau:

– Tiêu chí tiếp xúc (phơi nhiễm) là tiêu chí bắt buộc phải có.

Tiêu chí đối với sức khoẻ là:

– Bị một trong những bệnh đã được thế giới công nhận (13 bệnh) là do dioxin gây ra. Bộ Y tế Việt Nam đề xuất 17 nhóm bệnh chính.

– Danh mục bệnh lý do dioxin gây ra vẫn đang được tiếp tục bổ xung.

Liều an toàn dioxin đối với người là bao nhiêu?

Tổ chức Y tể thế giới (WHO) đưa ra mức từ 1 – 4 pg TCDD/kg thể trọng/ngày và khuyến cáo nên áp dụng 1 pg TCDD/kg thề trọng/ngày để đảm bảo thực sự an toàn.

Dị tật bẩm sinh là gì?

Dị tật bẩm sinh là một dạng của bất thường bẩm sinh và còn được gọi là dị dạng bẩm sinh (congenital malformation), sau đây thống nhất dùng từ dị tật bẩm sinh.

Dị tật bẩm sinh là những bất thường về hình thái, có thể lớn hoặc nhỏ, có thể biểu hiện ngay trong quá trình phát triển phôi thai, ngay từ khi mới sinh ra, hoặc biểu hiện ở giai đoạn muộn hơn nhưng đã có nguyên nhân ngay từ trước khi sinh.

Có thể gặp các dị tật bẩm sinh như tật ống thần kinh, tật thừa ngón bầm sinh, tật của đầu mặt cổ, tật của hệ sinh dục…

Dioxin có thể tác động và gây nên những biến đổi bất thường gì đối với hệ thống di truyền ?

Những tác động của dioxin đối với hệ thống di truyền còn nhiều tranh cãi và chưa có được những kết quả thống nhất của các nhà khoa học. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam cũng đã cho thấy tác động của dioxin gây nên một số biến đổi bất thường đối với hệ thống di truyền là những đột biến nhiễm sắc thể và đột biết gen.

Những phụ nữ sống ở “điểm nóng” hoặc con cháu các cựu chiến binh đã chiến đấu ở miền Nam (vùng bị rải chất độc da cam/dioxin) khi có thai cần được tư vấn di truyền và khám sức khỏe như thế nào?

Những phụ nữ thuộc các đối tượng trên có nguy cơ cao bị ảnh hứởng bởi sự phơi nhiễm dioxin. Nếu có thai sẽ dễ bị các tai biến sinh sản như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, quái thai, con dị tật bẩm sinh. Do đó họ cần phải được tư vẩn di truyền trước khi muốn có thai; khi có thai cần được khám sức khỏe chẩn đoán trước sinh để giảm thiểu các tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh.

Mục đích của tư vấn di truyền đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin là gì?

Mục đích của tư vấn di truyền đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin là để hiểu rõ những bất thường sinh sản có thể xảy khi mang thai nhằm giảm thiểu các tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh.

Đối tượng cần tư vấn di truyền là:

– Những người đã được xác định có phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin;

– Con cháu các nạn nhân chất độc da cam/dioxin;

– Đặc biệt đối với những nạn nhân trong tiền sử đã có những bất thường sinh sản.

Mục đích chẩn đoán trước sinh – Đối tượng nào cần chẩn đoán trước sinh?

Mục đích của chẩn đoán trước sinh là phát hiện sớm các bệnh, tật di truyền của thai nhi. Qua đó đề ra những giải pháp xử lý kịp thời giúp gia đình lựa chọn biện pháp thích hợp nhằm hạn chế sự ra đời những đứa trẻ bị khuyết tật, góp phần thực hiện ưu sinh học cho nòi giống.

Đối tượng cần chẩn đoán trước sinh là những bà mẹ mang thai đã xác định có nguy cơ cao sinh con dị tật:

– Những bà mẹ mang thai ≥ 35 tuổi;

– Những người đã được xác định có phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin;

– Con cháu các nạn nhân chất độc da cam/dioxin;

– Đặc biệt đối với những nạn nhân trong tiền sử đã có những bất thường sinh sản;

Siêu âm có thể phát hiện được tất cả các dị tật của thai nhi không? Những loại dị tật nào có thể phát hiện được?

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán trước sinh một số dị dạng thai nhi không xâm phạm và an toàn. Siêu âm không thể phát hiện được tất cả các dị tật của thai nhi. Siêu âm chỉ có thể phát hiện được một số dị tật về hình thái của thai nhi. Những dị tật không biểu hiện ra hình thái siêu âm khó phát hiện.

Siêu âm có thể phát hiện những dị tật sau: ở 3 tháng đầu vào tuần từ 11 -13 có thể phát hiện được hội chứng Down, ở tuần từ 15 -18 có thể phát hiện được một số dị tật sau: Các dị tật vùng đầu (não không phân chia…); vùng mặt (sứt môi, hở hàm ếch…); vùng cột sống (nứt đốt sống…); vùng ngực (tim, phổi…); vùng bụng (dạ dày, bàng quang…); tay, chân (dính ngón, thừa ngón…).

Miễn dịch tự nhiên là gì? Miễn dịch đặc hiệu là gì?

Miễn dịch tự nhiên là loại miễn dịch không đặc hiệu, là khả năng tự bảo vệ sẵn có và mang tính di truyền trong các cá thể cùng một loài. Nó có sẵn từ lúc mới sinh, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với các kháng nguyên lạ đó. Đối với các kháng nguyên khác nhau, miễn dịch tự nhiên có đáp ứng gần như nhau. Có thể sau các đáp ứng của miễn dịch tự nhiên, vật lạ bị loại bỏ hoàn toàn, cơ thể không mắc bệnh.

Hệ miễn dịch tự nhiên bao gồm các tổ chức sau đây:

– Da và niêm mạc gây cản trở cơ học, hóa học… ngăn cách cơ thể với ngoại môi.

– Da có các acid, chất nhày của niêm mạc, dịch tiết của các tuyến sữa, nước mắt, nước bọt nước mũi…

– Huyết thanh có chứa bổ thể, interferon…

– Bạch cầu máu.

Miễn dịch đặc hiệu là đáp ứng miễn dịch thu được xảy ra khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên. Sự tiếp xúc này có thể ngẫu nhiên do bị bệnh hay chủ động đưa vào cơ thể (như khi tiêm chủng văcxin, hay khi điều trị bằng kháng thể đặc hiệu, hay được mẹ truyền kháng thể cho phôi qua rau thai, qua sữa cho con bú).

Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu có trí nhớ miễn dịch nghĩa là khi tiếp xúc với kháng nguyên đặc hiệu vào các lần sau thì đáp ứng miễn dịch sẽ nhanh hơn và mạnh hơn (áp dụng trong tiêm chủng nhắc lại).

Nhiệm vụ của hệ thống miễn dịch trong cơ thể là gì?

Hệ thống miễn dịch trong cơ thể có các nhiệm vụ sau đây:

– Nhận biết và xử lý kháng nguyên lạ, giới thiệu (trình diện) kháng nguyên tế bào miễn dịch để thực hiện đáp ứng miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch đặc hiệu.

– Đồng thời sự tiếp xúc kháng nguyên lạ còn tạo ra các quần thể tế bào có trí nhớ miễn dịch lưu giữ lại trong cơ thể, sẵn sàng cho các đáp ứng đặc hiệu ở các lần sau được nhanh hơn, mạnh hơn để tiêu diệt yếu tố gây bệnh.

– Chức năng miễn dịch ở người giảm theo tuổi. Lý do suy giảm miễn dịch ở người già là do teo tuyến ức, xơ hóa tủy xương, có thể kèm theo nguyên nhân suy dinh dưỡng ở người cao tuổi.

Khi hệ thống miễn dịch bị thương tổn, người ta dễ mắc các bệnh gì?

Khi hệ miễn dịch bị thương tổn, người ta dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, ký sinh trùng và hay bị tái phát dai dẳng, cũng có thể tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư. Thương tổn hệ miễn dịch có thể làm giảm tuổi thọ.

Có thể sơ bộ đánh giá thương tổn hệ miễn dịch bằng các xét nghiệm máu không?

Thương tổn hệ miễn dịch có thể sơ bộ đánh giá bằng các xét nghiệm máu ở các cơ sở chuyên khoa.

Dioxin có thể tác động và gây nên những biến đổi bất thường gì đối với hệ thống miễn dịch?

Dioxin có thể gây teo tuyến ức, thoái hóa tủy xương và mô limphô, do đó gây suy giảm miễn dịch. Khả năng chống virut, vi khuẩn, ký sinh trùng, phòng chống ung thư đều giảm.

Trẻ sơ sinh, trẻ em bị phơi nhiễm dioxin dễ bị thương tổn hệ miễn dịch hơn người lớn.

Có biện pháp nào để phục hồi các thương tổn hệ miễn dịch khi bị nhiễm độc dioxin không?

Chưa có biện pháp phục hồi thương tổn hệ miễn dịch khi bị nhiễm độc dioxin một cách chính thức.

Thông thường người ta dùng nhiều biện pháp để thải độc nếu dioxin còn tồn lưu trong cơ thể, cắt nguồn phơi nhiễm, hoặc tãng cường miễn dịch bằng các thảo dược, động vật (theo Y học cổ truyền Việt Nam) hay dùng tân dược (nhưng phải có chỉ định của thầy thuốc).

Dioxin tồn lưu trong cơ thể người bao nhiêu năm và tích luỹ ở nơi nào nhiều nhất?

Dioxin có tính bền vững rất cao, rất ít bị phân hủy và chuyển hóa trong cơ thể. Do đó dioxin tồn lưu rất lâu, trung bình thời gian bán hủy trong cơ thể là 7 – 8 năm. Nơi tích lũy nhiều nhất là ở các cơ quan, tổ chức có nhiều thành phần mỡ như mô mỡ, gan, não, máu, sữa… Do đó không nên ăn phần mỡ của các thịt động vật nghi nhiễm dioxin.

Dioxin có thể chuyển hoá trong cơ thể để giải độc không?

Người ta chưa hiểu rõ về chuyển hóa dioxin ở người. Có nhiều khả năng sự chuyển hóa dioxin không có vai trò quan trọng trong việc đào thải dioxin ra khỏi cơ thể. cần chú ý rằng sự phân hủy dioxin trong cơ thể xảy ra rất chậm. Các sản phẩm phân hủy của dioxin ít gây độc hơn bản thân dioxin. Thời gian trung bình để cơ thể đào thải một nửa lượng dioxin dao động từ 7 đến 8 năm (có thể 12 năm). Dioxin bị đào thải khỏi cơ thể chủ yếu qua phân. Rất ít dioxin bị đào thải qua nước tiểu. Dioxin có thể đào thải qua sữa các bà mẹ cho con bú.

Tác dụng toàn thân trên người của dioxin như thế nào?

Dioxin có tác dụng độc đối với hầu hết các cơ quan trong cơ thể, nhưng chủ yếu là gây các bệnh trên cơ quan hô hấp, trên cơ quan tuần hoàn, trên một số bệnh lý gan, trên cơ quan nội tiết. Đặc biệt trên da thường có ban Chlor, dày sừng, mụn trứng cá, tăng sắc tố và rậm lông. Dioxin còn gây độc với hệ miễn dịch, hệ thần kinh và hệ sinh sản.

Dioxin có phải là chất gây ung thư ở người không?

Theo phân loại của Tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC), trong các đồng phân của dioxin thì 2,3,7,8TCDD (dioxin) là chất độc nhất, là tác nhân gây ung thư đối với người.

Ngoài tác động gây ung thư, dioxin còn gây ra những tác hại nào khác?

Không chỉ là tác nhân gây ung thư, dioxin còn gây suy giảm miễn dịch, tai biến sinh sản, rối loạn phát triển và nhiều tác hại khác đối với con người.

Có bệnh do dioxin gây ra không?

Có thể trả lời chắc chắn là có những bệnh do dioxin gây ra. Ngoài ra, dioxin còn tạo điều kiện cho nhiều bệnh khác phát sinh trên cơ thể người bị phơi nhiễm dioxin.

Những bệnh nào được xác định chắc chắn có liên quan chặt chẽ với dioxin?

Đến nay các nhà khoa học trên thế giới đã xác định có 5 loại bệnh có liên quan chắc chắn với sự phơi nhiễm dioxin:

– Ung thư phần mềm (SoftTissue Sarcoma);

– U Lymphoma ác tính Hodgkin (Lympho Hodgkin);

– U Lymphoma áctính không Hodgkin (Lympho non Hodgkin);

– Bệnh chứng cá do Clo (chloracne);

– Bệnh Leucose dòng Lympho mạn tính (Chronic Lympholeucose).

Những bệnh nào được xác định có liên quan với dioxin?

Những bệnh được xác định có liên quan tới dioxin là:

– Ung thư đường hô hấp (ung thư thanh quản, ung thư phổi, ung thư khí phế quản).

– Ung thư tiền liệt tuyến.

– Bệnh đau tuỷxương (Multiple myeloma).

– Bệnh nứt gai đốt sống (Spina Bifida).

– Bệnh da do rối loạn chuyển hoá Porphyrin (Porphyria cutanea tarda).

– Rối loạn thần kinh ngoại biên.

– Bệnh đái đường.

– Các bất thường sinh sản.

– Các dị dạng bẩm sinh.

– Ung thư gan nguyên phát.

– Bệnh rối loạn tâm thần.

Tại sao các nạn nhân chất độc da cam/dioxin thường bị đồng thời nhiều bệnh?

Dioxin là chất độc nguy hiểm vì độc tính rất cao và bền vững trong cơ thể gây suy giảm hệ thống miễn dịch, rối loạn hệ nội tiết, rối loạn chuyển hóa, tồn thương vật chất di truyền… Do đó, dioxin gây ra nhiều bệnh đồng thời trên nạn nhân.

Trong các chất độc hóa học Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam, chất nào nguy hiểm nhất vời sức khoẻ con người?

Chất độc da cam/dioxin là một hỗn hợp của 2,4-D và 2,4,5-T. Chất diệt cỏ 2,4,5-T là một hợp chất hữu cơ có chứa Clo, chất này có trong chất da cam và cả trong chất tím, chất xanh, chất hồng. Trong chất 2,4,5-T xuất hiện một sản phẩm phụ là dioxin (2,3,7,8-TCDD). Dioxin là chất độc nhất đối với sức khỏe con người.

Dioxin có thể tác động và gây nên những biến đổi bắt thường gì đối với hệ thống tạo máu?

Cho đến nay, hầu hết các tác giả trong và ngoài nước đều đưa ra các bằng chứng cho thấy dioxin là nguyên nhân gây ra nhiều bất thường bệnh lý của máu và hệ thống tạo máu.

Những bệnh máu sau đây đã được xác định là có bằng chứng liên quan chắc chắn với phơi nhiễm dioxin, đó là:

– U Lymphoma ác tính Hodgkin (Lympho Hodgkin);

– U Lymphoma ác tính không Hodgkin (Lympho non Hodgkin);

– Bệnh Leucose dòng Lympho mãn tính (Chronic Lympholeucose);

– Và Bệnh porphyrin niệu được xác định có liên quan tới phơi nhiễm dioxin.

Dioxin có thể tác động và gây nên những biến đổi bất thường gì đối với hệ thống hoá sinh máu?

Các nghiên cứu về cơ chế tác động gây độc của dioxin đối với tế bào đã cho thấy dioxin ảnh hưởng đến hầu hết các chuyển hoá hoá sinh. Dioxin có tác dụng kích thích sự tổng hợp các enzym chuyển hóa thuốc và các chất dị sinh. Do đó, dioxin có thể làm biến đổi nhiều chỉ tiêu hóa sinh máu và gây nên các rối loạn bệnh lý.

Dioxin xâm nhập vào cơ thể người bằng những con đường nào?

Dioxin xâm nhập vào cơ thể người qua hít thở không khí, uống nước, ăn các loại thực phẩm, hoặc tiếp xúc qua da, nhưng chủ yếu là qua chuỗi thực phẩm.

Tại những vùng bị ô nhiễm, dioxin có trong đất, bùn, trầm tích và cũng có thể có ở phần củ, rễ, thân của các loài cây và trong một số động vật sống trong các ao hồ bị nhiễm dioxin. Từ đó, dioxin có thể thâm nhập vào cơ thể người sống trong vùng bị ô nhiễm.

Trong cơ thể động vật và người, dioxin tích tụ ở những bộ phận nào? Bị đào thải bằng con đường nào?

Không phụ thuộc vào con đường xâm nhập vào cơ thể động vật và người, dioxin tích tụ chủ yếu trong mỡ và gan, người càng béo, dioxin tích tụ càng nhiều.

Dioxin bị đào thải chủ yếu qua quá trình chuyển hóa ở gan – mật, qua phân và một phần nhỏ qua tiểu. Song các quá trình thải loại này xảy ra rất chậm. Đối với người mẹ bị phơi nhiễm, cần chú ý là: dioxin thải loại qua sữa mẹ, nhưng lại gây nhiễm độc cho con.

Ngày nay nhân dân sống ở các vùng tồn lưu chất độc da cam/dioxin “điểm nóng” có nguy cơ bị nhiễm độc không ? Nếu bị thì dioxin vào cơ thể qua những đường nào?

Ở các “điểm nóng” hiện nay còn tồn lưu một lượng lớn dioxin trong đất canh tác, trong các ao hồ, từ đó nhiễm vào các nguồn thực phẩm là các thủy sinh vật, thực vật rau củ, thủy cầm, gia cầm gia súc… Từ chuỗi thực phẩm này xâm nhập vào cơ thể qua ăn uống gọi là nhiễm độc gián tiếp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da từ môi trường bị ô nhiễm.

Bà mẹ bị nhiễm dioxin sẽ lây nhiễm sang con như thế nào?

Khi bà mẹ bị nhiễm dioxin, nếu có thai thì dioxin sẽ qua nhau thai vào thai nhi và qua sữa mẹ khi con bú gây nhiễm độc cho con.

Các loại thủy sinh (cá, tôm, cua, ốc, lươn, trạch.,.) từ các ao hồ ở các “điểm nóng” là nguồn thực phẩm nguy hiểm, tại sao?

Dioxin là chất rất bền vững trong môi trường, được nước mưa di chuyển xuống ao hồ, tích tụ ở trong lớp bùn và trầm tích, từ đó nhiễm vào các thủy sinh vật (đặc biệt là cá, tôm, cua, ốc, trạch..) trở thành nguồn thực phẩm nguy hiểm với con người.

Dân cư sống ở quanh các “điểm nóng” có bị ảnh hưởng đến sức khỏe không? Chúng ta đã có những biện pháp gì để giảm thiểu các ảnh hưởng đó?

Dân cư sống ở quanh các “điểm nóng” rất dễ bị ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chúng ta đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng đó như: những biện pháp ngăn chặn lan tỏa dioxin từ các “điểm nóng”, giáo dục truyền thông khuyến cáo nhân dân tránh tiếp xúc phơi nhiễm,

Có những biện pháp gì để chăm sóc sức khỏe cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin hiện đang được áp dựng ờ Việt Nam?

Những biện pháp chủ yếu để chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã và đang được áp dụng bao gồm:

– Các giải pháp làm tăng nhanh quá trình phân hủy và đào thải dioxin ra khỏi cơ thể, làm giảm nồng độ dioxin trong cơ thể;

– Áp dụng một số bài thuốc y học cổ truyền để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, tăng khả năng đáp ứng miễn dịch;

– Đã xây dựng một số làng Hòa Bình Hữu Nghị để chăm sóc sức khỏe cho những trẻ bị dị tật bầm sinh, là con cháu các nạn nhân chất độc da cam/dioxin;

– Đã thành lập các quỹ chất độc da cam/dioxin, quỹ vì người nghèo, quỹ tình thương… để hỗ trợ cho các nạn nhân dioxin;

– Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin bằng các khoản tiền trợ cấp hàng tháng, bằng việc cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, và bằng nhiều chương trình khác phối hợp như chương trình xoá đói giảm nghèo, chương trình làm dịu nỗi đau da cam…;

– Giáo dục cộng đồng nâng cao hiểu biết, thái độ, thực hành phòng chống phơi nhiễm dioxin từ “điểm nóng”, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng đối với cầc nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Những giải pháp đơn giản nhất loại trừ dioxin khỏi cơ thể con người?

Giải pháp đơn giản nhất để loại trừ dioxin ra khỏi cơ thể người là:

– Đẩy mạnh việc thải các chất chuyển hoá dioxin ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp: tăng tiết mồ hôi, lợi tiểu, nhuận tràng,…

– Điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm lượng mỡ tích lũy trong cơ thể.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888