Hotline: +84 0777. 943. 888

Kết luận của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới

02/11/2024 15:19

Ngày 10/7, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới (Kết luận số 86-KL/TW).

Ngày 10/7, đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Kết luận của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới (Kết luận số 86-KL/TW).

Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và Nhân dân về vị trí, vai trò của nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam được nâng lên.

Hệ thống chính sách, pháp luật về y học cổ truyền được rà soát, sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện; đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại.

Kết Luận Của Ban Bí Thư Về Phát Triển Nền Y Học Cổ Truyền Việt Nam Và Hội Đông Y Việt Nam Trong Giai đoạn Mới

(Ảnh minh hoạ)

Công tác quản lý nhà nước, khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học cổ truyền được quan tâm và đầu tư.

Phát triển các kỹ thuật khám, chữa bệnh y học cổ truyền đặc sắc, chuyên sâu, chứng minh tác dụng của các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền được khẳng định. Các cấp Hội Đông y Việt Nam được kiện toàn và hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW còn chậm, chưa quyết liệt trong kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về y học cổ truyền chưa được quan tâm thường xuyên và chưa gắn với giữ gìn, phát triển kho tàng y học dân tộc; công tác quản lý nhà nước về y học cổ truyền còn bất cập. Nguồn lực đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ cho y học cổ truyền còn hạn chế. Mạng lưới tổ chức, công tác đào tạo nguồn nhân lực về y học cổ truyền còn thiếu, còn hạn chế. Việc quy hoạch, phát triển vùng nuôi trồng dược liệu còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự kết nối giữa nuôi trồng, sản xuất và thương mại; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính khả thi, chưa tháo gỡ được những điểm nghẽn, vướng mắc trong lĩnh vực y học cổ truyền; vị thế, vai trò của Hội Đông y Việt Nam chưa được phát huy.

Để phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TW, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị-xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng y học dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam.

2. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa chính sách về y học cổ truyền; đổi mới hệ thống quản lý, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ của y học cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe.

Tăng cường đầu tư, chú trọng đào tạo, phát triển lương y, lương dược, bố trí đủ nhân lực từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam. Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở; kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh hiệu quả các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền trong công tác phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về dược liệu, thuốc y học cổ truyền liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong y học cổ truyền.

3. Quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng dược liệu theo quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu; có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Phát triển ngành công nghiệp dược liệu gắn với nghiên cứu khoa học, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến; chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng dược liệu, sản xuất và tiêu dùng thuốc y học cổ truyền; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý dược liệu, tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu, kiên quyết đấu tranh phòng, chống các sản phẩm y học cổ truyền, dược liệu giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

4. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu của y học cổ truyền Việt Nam; có chính sách xúc tiến thương mại để xuất khẩu các sản phẩm y học cổ truyền, bao gồm nhân lực chất lượng cao và các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ra quốc tế. Tham gia các hội nghề nghiệp, hội giáo dục về y học cổ truyền trong khu vực, thế giới. Tăng cường hỗ trợ phát hiện, đăng ký, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với y học cổ truyền; tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y; có chính sách cụ thể trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến thuốc y học cổ truyền.

5. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, nòng cốt của Hội Đông y Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin về y học cổ truyền Việt Nam, những bài thuốc hay, phương pháp chữa trị hiệu quả để Nhân dân trong nước, quốc tế biết, sử dụng. Phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, gương điển hình trong phát triển nền y học cổ truyền. Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

6. Tổ chức thực hiện

– Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận.

Thu Hằng

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888