Khám phá tác dụng đối với sức khoẻ của nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn thực
Tết Hàn thực từ lâu đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, dù đi xa tới đâu thì vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, những người con xa xứ vẫn cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình, cùng quây quần chuẩn bị mâm lễ dâng lên tổ tiên, những người đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính hướng về cội nguồn, đồng thời cầu mong những điều tốt lành nhất đến với gia đình mình. Cùng tìm hiểu tác dụng bất ngờ của các nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay trong ngày tết Hàn thực đối với sức khoẻ.
Tết Hàn thực từ lâu đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, dù đi xa tới đâu thì vào ngày 3/3 âm lịch hằng năm, những người con xa xứ vẫn cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình, cùng quây quần chuẩn bị mâm lễ dâng lên tổ tiên, những người đã khuất để bày tỏ lòng biết ơn, sự thành kính hướng về cội nguồn, đồng thời cầu mong những điều tốt lành nhất đến với gia đình mình. Cùng tìm hiểu tác dụng bất ngờ của các nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay trong ngày tết Hàn thực đối với sức khoẻ.
Gạo nếp
Theo y học cổ truyền gạo nếp được gọi là Nhu mễ, đây là một loại lương thực thường dùng trong đời sống hàng ngày, gạo nếp có tính dẻo dính do được hình thành từ các liên kết amilopectin và amilozo nên gạo nếp có thể làm thành các món ăn vặt hoặc chế biến các món trong các dịp lễ. Gạo nếp cũng là nguyên liệu chủ yếu được dùng để ủ lên men làm giấm hoặc rượu.
Gạo nếp có vị ngọt, tính ôn, thường quy kinh Tỳ, Vị, Phế, nó có tác dụng bổ trung ích khí, kiện Tỳ dưỡng Vị, chuyên trị các trường hợp đại tiện lỏng nát, mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn do Tỳ Vị hư nhược. Xét về giá trị dinh dưỡng thì trong gạo nếp có chứa đa dạng các loại dưỡng chất như protein, chất béo, Carbohydrate, các vitamin nhóm B như vitamin B1, vitamin B2, Niacin, Photpho, Sắt,…chính vì trong gạo nếp giàu vitamin nhóm B nên rất tốt để cải thiện các vấn đề về tiêu hóa như ăn uống kém, mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, tiết tả, khí hư gây đổ mồ hôi….
Tuy nhiên, gạo nếp có tính chất dẻo dính, nê trệ do đó mà chúng ta cũng không nên ăn lượng quá nhiều trong một lần, vì như thế sẽ gây tình trạng khó tiêu, người già và trẻ em thì càng phải chú ý nhiều hơn. Đồ nếp bất kể là được chế biến ngọt hay mặn cũng đều chứa hàm lượng cao Carbonhydrate, Natri cho nên những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân, bệnh thận, mỡ máu nên kiểm soát lượng thức ăn này.
Đậu xanh
Đậu xanh là thành phần không thể thiếu của nhân bánh trôi, bánh chay. Đậu xanh trong đông y có tên gọi khác là Lục đậu hoặc tên thuần Việt vẫn gọi là đậu xanh, là một chủng loại thuộc họ Đậu.
Đậu xanh có vị ngọt, tính hàn, không có độc, thường quy kinh Vị, Tâm, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử, dùng trong những trường hợp thử nhiệt phiền khát, sang độc, ung thũng, hơn nữa có thể giải độc của các vị thuốc như Phụ tử, Ba đậu.
Theo nghiên cứu dược lý thì đậu xanh còn có tác dụng kháng khuẩn, kìm khuẩn, hạ mỡ máu, giảm viêm sưng. Hơn nữa, dinh dưỡng hàm chứa trong đậu xanh khá phong phú như chất xơ, chất béo, chất đạm, Cabohydrat, các loại vitamin C, K, acid Folic, Canxi, Photpho, Kali và nhiều loại dưỡng chất hữu cơ, vô cơ khác…. Cho nên, mùa hè có thể chế biến các loại thức uống từ đậu xanh để giải khát, thanh nhiệt.
Có một lưu ý nhỏ khi chúng ta muốn sử dụng đậu xanh đó là, trong đậu xanh có chứa một loại protein có tên là Lectin, protein này nếu được bổ sung vào cơ thể một lượng vừa phải sẽ có lợi cho sức khỏe nhưng nếu lạm dụng bổ sung quá nhiều có thể gây đầy bụng, ợ hơi, khó tiêu…
Vừng
Vừng (Mè) có tên khoa học: Sesamum indicum L., thuộc họ Vừng (Pelaliaceae). Hạt mè (mè đen, mè trắng) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng kiện tỳ ích vị (bổ dưỡng và hoàn chỉnh chức năng tiêu hóa), tư âm nhuận phổi (bổ máu dưỡng phổi), bổ can thận. Hạt mè chứa các thành phần dinh dưỡng gồm protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, , các chất khoáng như: Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn…
Theo đông y, vừng có thể được dùng đơn độc hoặc phối các vị thuốc khác chữa trị nhiều bệnh. Theo sách Bản thảo cương mục, hạt vừng bổ dưỡng ngũ tạng, chưng với mật ong chữa được nhiều bệnh. Với Nam y thần dược: “Hạt vừng (ma nhân), dầu vừng (ma du) có vị ngọt, béo, tính bình, quy 4 kinh phế, tỳ, can, thận. Có tác dụng nhuận tràng, bổ khí huyết, bổ ngũ tạng, ích khí lực, bổ não tủy, mạnh gân cốt, sáng tai mắt, ích lão trường thọ”.
Vừng thường được dùng để chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng, lợi sữa ở phụ nữ nuôi con bú, trị lỵ, giải độc, chữa tổn thương do chấn thương, bỏng, mụn nhọt, tóc bạc sớm, suy nhược thần kinh, Đặc biệt, hoạt chất sesamin và sesaminol trong dầu vừng có tác dụng chống tăng huyết áp, hạ cholesterol và chống sự giãn nở của cơ tim, chống oxy hóa, bảo vệ gan.
Cùi dừa
Thành phần cùi dừa chứa nhiều đạm, đường, chất xơ, chất béo,…kết hợp các loại vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B4 và vitamin C và các khoáng chất có lợi khác.
Với thành phần dinh dưỡng vi lượng đa dạng như vitamin C, các vitamin B, kali, natri, mangan, magie, calci, đồng, kẽm, sắt, phospho… giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh như bảo vệ tim mạch, hệ tiêu hoá, não bộ, hỗ trợ giảm cân.
Gừng
Gừng còn gọi là khương, có tên khoa học là Zingiber ofcinale Rosc. Theo đông y, sinh khương (củ gừng tươi) có vị cay, nóng, mùi thơm, tính ấm. Can khương (củ gừng khô) có vị cay, mùi thơm hắc, tính nóng. Bào khương (vỏ gừng) vị cay đắng, tính đại nhiệt. Thán khương (gừng nướng) vị cay, mùi thơm hắc, tính ấm. Tất cả có tác dụng ôn trung, trục hàn, hồi dương, thông mạch.
Gừng là loại gia vị quen thuộc trong nhà bếp, cũng là vị thuốc dân gian. Gừng tươi (sinh khương) theo y học cổ truyền có vị cay, tính ấm; quy các kinh phế, tỳ, vị. Có tác dụng giải cảm, tán hàn, ôn ấm tỳ vị, chỉ ẩu thô, tiêu đàm, chỉ khái. Chủ trị các chứng cảm mạo phong hàn, hỗ trợ tiêu hóa, chống nôn, các bệnh đường hô hấp.
Gừng giúp làm ấm, thông mũi, có lợi cho chứng cảm lạnh và cúm, tắc nghẽn đường hô hấp và viêm họng. Gừng có khả năng chống viêm và chống virus, khiến nó trở thành một trong những thảo dược được khuyên dùng để phòng chống Covid-19.
Đường phên
Là loại đường được kéo từ mật mía và được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Do thói quen sử dụng đường tinh luyện nên đường phên đã dần vắng bóng trên thị trường.
Đường mía thô chứa nhiều canxi và sắt giúp bồi bổ khí huyết tốt cho người gầy, người thiếu máu. Đường mía thô giúp lưu thông máu, tránh bế kinh cho phụ nữ trong chu kì kinh nguyệt . Ngoài ra nó còn giúp kích thích co bóp tử cung của sản phụ để đẩy nhanh sản dịch ra ngoài và tăng tiết sữa.
Theo đông y, đường phên có tác dụng bổ tỳ ấm vị, giúp đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu đưa máu đến vùng lá lách và dạ dày nhanh hơn. Khi cảm thấy mệt mỏi, khí sắc không tốt, hàng ngày có thể uống đường phên đặc nóng vào trước bữa ăn trưa trong 1 tuần sẽ cải thiện được tình hình.
Những nhóm bệnh cần đề phòng khi ăn bánh trôi, bánh chay
Cả hai loại bánh đều chứa nhiều tinh bột và đường, vì thế dù không ăn quá nhiều, bạn vẫn có thể nạp quá nhiều calo và tăng chỉ số đường máu. Trong 100g bánh trôi, bánh chay có khoảng 300-400 calo tùy vào cách chế biến của người làm bánh.
Bên cạnh đó, tinh bột trong bánh cũng chủ yếu là bột gạo nếp, gây tăng đường huyết và tích mỡ nhanh, gạo nếp cũng khiến gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, khó chịu nếu ăn quá nhiều…
– Người bị béo phì, thừa cân nếu muốn giảm cân thì nên hạn chế món bánh này.
– Người bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu: Trong khẩu phần ăn của những người tiểu đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp… thường được bác sĩ khuyến cáo hạn chế ăn đồ ngọt, đồ chứa nhiều tinh bột, đồ ăn nhiều năng lượng.
Bánh trôi, bánh chay chính là những thực phẩm cần kiêng trong số đó. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn nhưng với số lượng ít, đủ để thưởng thức.
– Phụ nữ mang thai: Tiểu đường thai kỳ là mối nguy lớn với thai phụ do ảnh hưởng xấu tới thai nhi, do đó nếu bạn đang mang thai thì không nên ăn quá nhiều loại bánh ngọt và giàu tinh bột này.
– Người mắc bệnh tiêu hóa: Tinh bột trong gạo nếp là loại tinh bột phân nhánh, khó tiêu hóa hơn tinh bột trong gạo tẻ, do đó dạ dày thường phải hoạt động co bóp và tiết ra dịch vị nhiều hơn để tiêu hóa được.
Từ đó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược, đầy bụng, ợ hơi, ợ chua, viêm loét… ở những người bị bệnh lý về đường tiêu hóa.
– Người bệnh tiểu đường, mỡ máu, tim mạch: Tiêu thụ nhiều bánh trôi, bánh chay có thể khiến cơ thể nạp quá nhiều tinh bột và đường, làm đường máu tăng cao đột ngột, không tốt cho người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao hay người mắc bệnh tim mạch.
Dù là người khỏe mạnh, yêu thích món bánh thơm ngon này đến đâu, bạn cũng chỉ nên ăn thưởng thức một khẩu phần nhỏ, khoảng 100-200g mỗi lần tùy nhu cầu và thể trạng, không nên ăn quá thường xuyên.
Tình Vũ