Lạm dụng kháng sinh và tiếp xúc khói xe làm giảm sức đề kháng
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Đại học Virginia (Mỹ), sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh khiến tế bào miễn dịch kém hiệu quả trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu “hàng rào” phòng vệ ở ruột trước các mầm bệnh.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Trường Y Đại học Virginia (Mỹ), sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh khiến tế bào miễn dịch kém hiệu quả trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng và làm suy yếu “hàng rào” phòng vệ ở ruột trước các mầm bệnh.
Qua nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, các chuyên gia phát hiện thuốc kháng sinh đã phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột của chuột, làm giảm hoạt động của bạch cầu trung tính (neutrophil) và ngăn tế bào miễn dịch này phản ứng khi cần thiết. Điều này khiến ruột không được bảo vệ đầy đủ, tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Theo các chuyên gia, lạm dụng kháng sinh vừa khiến vi khuẩn phát triển khả năng kháng nhiều thuốc và tăng nguy cơ nhiễm trùng ruột do khuẩn C. difficile, vừa làm giảm chức năng của tế bào bạch cầu, nên mọi người chỉ sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp cấp thiết.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh Napier (Scotland) lần đầu tiên chứng minh được rằng các hạt bụi mịn trong khói xe làm giảm khả năng chống vi-rút và vi khuẩn của cơ thể.
Nghiên cứu của họ tập trung vào các phân tử cực nhỏ tìm thấy trong hệ miễn dịch của người và động vật, gọi là peptide kháng khuẩn, thường gia tăng khi cơ thể phản ứng với tình trạng nhiễm trùng.
Họ phát hiện các hạt các-bon (hiện diện nhiều trong khói xe) có thể kích hoạt những thay đổi trong các phân tử peptide kháng khuẩn, làm tăng độ nhạy cảm với nhiễm trùng. Nguy cơ này khá cao đối với những ai sống ở nơi ô nhiễm không khí nhiều, thường hít thở bụi mịn nồng độ cao mỗi ngày hoặc hấp thụ chúng qua tiếp xúc với da. Những người có sẵn các bệnh như hen suyễn hoặc phổi tắc nghẽn mạn tính đặc biệt dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm khói xe.
Theo ANI