Léa Spa Beauty: Những nghi vấn về dịch vụ xâm lấn trái phép
Léa Spa Beauty luôn được quảng cáo là một spa làm đẹp uy tín; đang có những phản ánh cho rằng cơ sở làm đẹp này hiện đang thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn nhưng chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng.
Léa Spa Beauty có thực hiện dịch vụ xâm lấn trái phép?
Tại Léa Spa Beauty (địa chỉ số 37 đường số 20, Phường Bình An, Quận 2 (nay là phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức), Thành phố Hồ Chí Minh) hiện đang quảng cáo rầm rộ các dịch vụ như tiêm meso, filler hay công nghệ giảm béo không phẫu thuật, với giá cả rất “khủng”. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, những dịch vụ này có tính chất xâm lấn phải được thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ giấy phép khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ, bao gồm bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ tại Léa Spa Beauty
Tiếp nhận những thông tin phản ánh, nghi vấn về việc thực hiện dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn tại cơ sở này nhưng chưa có giấy phép; trong vai người có nhu cầu làm đẹp, Phóng viên (PV) đã đến trực tiếp cơ sở để kiểm chứng. Tại đây, các nhân viên spa cho biết dịch vụ tiêm meso không cần bác sĩ mà chỉ do các chuyên viên thực hiện (?).
Như vậy, ngay từ những thông tin ban đầu đã cho thấy những dấu hiệu trong hoạt động của cơ sở. Cụ thể là vi phạm quy định tại Điều 11, Nghị định 155/2018/NĐ-CP, về việc các dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn chỉ được phép thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ giấy phép và phải có bác sĩ có chuyên môn thực hiện.
Ngoài ra, kiểm chứng thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, PV không tìm thấy bất kỳ giấy phép hoạt động khám chữa bệnh hay giấy phép kinh doanh spa nào của Léa Spa Beauty tại địa chỉ này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước những thông tin về hoạt động có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật của Léa Spa Beauty, PV đã liên hệ, làm việc với cơ quan chức năng để tìm hiểu, làm rõ. Tuy nhiên, quá trình làm việc với cơ quan chức năng, PV đã gặp phải thái độ có phần thiếu trách nhiệm, đùn đẩy giữa các cơ quan quản lý. Cụ thể, khi PV yêu cầu làm rõ vấn đề vi phạm, ông Phó Chủ tịch UBND Phường Bình An (nay là phường An Khánh, Thành phố Thủ Đức) cho biết, đã kiểm tra và không phát hiện máy móc xâm lấn tại cơ sở (?). Tuy nhiên, khi PV hỏi về việc quảng cáo các dịch vụ xâm lấn, vị Phó Chủ tịch này chỉ thừa nhận cơ sở này quảng cáo sai mà không có chế tài xử phạt cụ thể (?!).
Tiếp đó, tại buổi làm việc với Phòng Y tế Thành phố Thủ Đức, đại diện đơn vị này khẳng định cơ sở spa Léa Spa Beauty này thuộc quản lý của phường, và phường cần xử lý vấn đề, nhưng phường đã không đưa ra kết luận cụ thể...
Chế tài xử phạt đối với cơ sở vi phạm ra sao? Các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp nói chung, cơ sở Léa Spa Beauty nói riêng, nếu bị các cơ quan quản lý nhà nước xác định là có vi phạm trong hoạt động, với những hành vi liên quan đến việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn trái phép và quảng cáo sai sự thật, có thể bị xem xét, xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể: Đối với dịch vụ thẩm mỹ không phép: Theo khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, hành vi cung cấp dịch vụ thẩm mỹ có xâm lấn mà không có giấy phép khám chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đối với các cơ sở không có giấy phép hoạt động y tế nhưng vẫn thực hiện can thiệp thẩm mỹ xâm lấn, cơ quan chức năng có thể đình chỉ hoạt động từ 12 tháng đến 24 tháng và thu hồi giấy phép (nếu có). Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật: Điều 102, Luật Quảng cáo 2018, cơ sở spa có thể bị xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật về dịch vụ hoặc cơ sở hoạt động không có giấy phép. Về chế tài bổ sung: Khoản 6, Điều 39, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, kèm theo đình chỉ hoạt động trong thời gian từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi không có bác sĩ có chuyên môn thực hiện dịch vụ xâm lấn (như tiêm meso, filler). |