Hotline: +84 0777. 943. 888

Người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm bệnh rung nhĩ

02/11/2024 16:19

Bệnh rung nhĩ thường xuất hiện ở người cao tuổi và không có triệu chứng điển hình nên rất khó phát hiện bệnh. Do vậy, người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên, phát hiện sớm bệnh rung nhĩ đề phòng đột quỵ.

Bệnh rung nhĩ thường xuất hiện ở người cao tuổi và không có triệu chứng điển hình nên rất khó phát hiện bệnh. Do vậy, người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên, phát hiện sớm bệnh rung nhĩ đề phòng đột quỵ.

Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể nhưng nặng nề nhất là cục máu đông di chuyển đến não, gây thiếu máu não dẫn đến đột quỵ.

Theo bác sĩ Trần Xuân Nhã, khoa lão – Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, rung nhĩ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh đột quỵ, nhồi máu não nếu như bệnh không được kiểm soát và điều trị. Bệnh thường xuất hiện ở người trên 70 tuổi. Ở giai đoạn tiềm ẩn, bệnh nhân chỉ có một vài triệu chứng hơi nhói ngực thoáng qua, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác nhịp tim nhanh, không đều… nên nhiều người không để ý, chủ quan không đi khám bệnh. Trong số bệnh nhân cao tuổi nhập viện điều trị tại khoa lão do đột quỵ thì có 50 đến 60% bệnh nhân bị rung nhĩ. Điều đáng nói những bệnh nhân này hầu như không biết bản thân bị rung nhĩ cho đến khi bị đột quỵ, các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì mới biết.

Người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm bệnh rung nhĩ (ảnh minh họa)

Người cao tuổi cần tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm bệnh rung nhĩ (ảnh minh họa)

Lý giải vì sao rung nhĩ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ ở người cao tuổi, bác sĩ Nhã cho biết, khi bị rung nhĩ, các thớ cơ tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng và dần dần bị giãn ra. Buồng tâm nhĩ giãn ra kết hợp với sự co bóp không đồng đều giữa các vùng cơ tâm nhĩ khác làm cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất không được nhịp nhàng từ đó dễ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ. Khi các cục máu đông trong tâm nhĩ này được tạo ra và trôi theo dòng máu, nó sẽ có nguy cơ gây ra tắc mạch. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới não, động mạch não sẽ bị tắc và gây ra tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Ngoài ra, nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới động mạch vành sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông đi theo dòng máu tới động mạch chi nó sẽ gây tắc động mạch chi.

“Những người mắc các bệnh lý, như bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng bệnh lý viêm, béo phì, rối loạn lipid máu… có nguy cơ gia tăng khả năng bị rung nhĩ. Những người bình thường, không mắc bệnh lý nào khác cũng có thể bị rung nhĩ nhưng tỷ lệ thấp hơn. Triệu chứng của rung nhĩ thường đa dạng nhưng lại khó nhận biết. Do vậy để biết bản thân có bị rung nhĩ hay không cần tầm soát hoặc khám bệnh định kỳ. Hoặc khi cảm thấy có những bất thường ở tim, như: Tim đập nhanh, hay thở gấp, mệt mỏi… thì nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và làm các xét nghiệm phù hợp. Những người bị rung nhĩ cần tuân thủ các chế độ chăm sóc, uống thuốc, tái khám theo khuyến cáo của bác sĩ và thường xuyên làm các xét nghiệm, kiểm tra để kiểm soát đột quỵ và đánh giá nguy cơ bị đột quỵ. Thông qua chẩn đoán của bác sĩ, người bệnh sẽ nhận thức rõ hơn về bệnh tình của mình và có cách chăm sóc phù hợp. Ngoài ra, mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực; tập thể dục đều đặn, giảm căng thẳng, kiểm soát các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp… ”, bác sĩ Nhã chia sẻ thêm.

Mỹ Hạnh

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888