Nhận biết yếu tố nguy cơ để phòng ngừa và kiểm soát tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng điển hình. Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả tăng huyết áp.
Tăng huyết áp thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng điển hình. Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả tăng huyết áp.
Người ta thường gọi tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” do căn bệnh này thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng điển hình, không có dấu hiệu báo trước rõ ràng. Người bệnh phát hiện bị huyết áp tăng một cách tình cờ qua đo huyết áp tại nhà hay khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Do vậy, việc nhận biết các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng để phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả căn bệnh này.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp được chia thành 2 nhóm là yếu tố không thay đổi được và yếu tố thay đổi được.
Yếu tố nguy cơ không thay đổi được
Tuổi: Tuổi càng cao càng dễ mắc tăng huyết áp.
Giới: Nam giới có tỷ lệ mắc cao huyết áp cao hơn so với nữ giới.
Di truyền: Gia đình có người mắc tăng huyết áp thì khả năng mắc tăng huyết áp cao hơn.
(Ảnh minh họa: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh)
Yếu tố nguy cơ thay đổi được
– Hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
– Ít vận động: Vận động thể lực dưới 30 phút/ngày, dưới 5 ngày/tuần (bao gồm thể dục, thể thao, đi bộ và lao động chân tay).
– Thói quen ăn mặn: Ăn trên 5g muối (tương đương 1 thìa cà phê/người/ngày).
– Ăn ít rau, trái cây: Dưới 400g/ngày (tương đương 5 đơn vị chuẩn, mỗi đơn vị chuẩn là 80g, tương đương với 1/2 chén rau đã nấu hoặc 1 quả cam nhỏ hoặc 1 quả chuối cỡ vừa).
– Uống nhiều rượu bia: Nam uống trên 2 chai/lon bia 330ml (5%) hoặc trên 2 cốc bia hơi 330ml hoặc trên 2 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc trên 2 chén rượu mạnh 30ml (40%); Nữ uống trên 3/4 chai/lon bia (5%) hoặc trên 1 cốc bia hơi 330ml hoặc trên 1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc trên 01 chén rượu mạnh 30ml (40%).
– Hay bị stress và căng thẳng tâm lý.
– Thừa cân, béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) = cân nặng (tính bằng kg) (chiều cao x chiều cao (tính bằng m)). Nếu BMI = 23-24,9 kg/m2 là thừa cân, BMI trên hoặc bằng 25 kg/m2 là béo phì.
– Mắc các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh