Những câu chuyện lần đầu được kể tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng số 1 Hà Nội
“Mỗi người ở đây như một bức tranh dang dở còn cán bộ là người vẽ tiếp những mảng màu còn thiếu đó”….
“Mỗi người ở đây như một bức tranh dang dở còn cán bộ là người vẽ tiếp những mảng màu còn thiếu đó”….
Một mái nhà chung
Các bệnh nhân tại trung tâm vui vẻ, thân thiện chào đón khách ghé thăm (Ảnh: Huyền Trang)
Ba Vì – lá phổi xanh phía Tây của Hà Nội – là vùng đất tách biệt khỏi chốn thành thị sầm uất. Nơi đây là đích đến của đoàn chúng tôi trong chuyến hành trình dài 60 km lần này. Xa dần khỏi nội thành, chúng tôi bắt gặp những khoảnh ruộng xanh mướt, thấp thoáng những khóm hoa sim ẩn hiện trong những bụi cây trải dọc hai bên đường. Đoàn chúng tôi mất gần hai tiếng để tiến vào địa phận xã Thụy An, một vùng đồi gò trung du, cách trung tâm huyện Ba Vì 6 km về phía Nam.
Rẽ vào con ngõ nhỏ, hiện ra trước mắt chúng tôi là cánh cổng khang trang với dòng chữ “Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội”. Vừa xuống xe, chúng tôi đã nghe thấy tiếng gọi mừng rỡ của chị Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm. Như một chuyến vãng cảnh, theo chân chị, chúng tôi vừa đi vừa xuýt xoa về sự thoáng đãng, yên bình nơi đây. Đột nhiên, một bài nhạc vui tươi vang lên từ xa thu hút sự chú ý của tất cả chúng tôi. “Các em đến đúng lúc thật! Chiều nay trung tâm tổ chức một cuộc thi cho bệnh nhân”, chị Khanh cười giới thiệu.
Phía sau khu làm việc của cán bộ là khu sinh hoạt chung, nơi diễn ra “Cuộc thi Bác Hồ trong tim tôi – Nhân Kỷ niệm 134 năm Ngày Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lúc này, mỗi bệnh nhân cầm trên tay chiếc ghế lần lượt di chuyển vào phòng.
Nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao đến giao lưu và tặng hoa cho các bệnh nhân tại Trung tâm chăm sóc và phục hồi người tâm thần số 1 Hà Nội (Ảnh: Huyền Trang)
“Bình ơi, Bình thắng thì tôi thưởng cho một bao thuốc lá nhé!”, tiếng nói của một hộ lý chợt vang lên trong căn phòng náo động. Tựa như một gia đình đa thế hệ, những cuộc trò chuyện giữa cán bộ và bệnh nhân đều nhẹ nhàng, gần gũi ,như những người thân trong gia đình.
Tại cuộc thi, chúng tôi gặp bệnh nhân Đ.T.H (43 tuổi), đã gắn bó với trung tâm được 10 năm. “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng và đi làm, tôi thường bị mất ngủ, nói nhiều, đập phá và cảm xúc thất thường. Bác sĩ chẩn đoán do thất nghiệp lâu ngày cùng áp lực học tập. Gia đình cũng đưa tôi đi chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm”, câu trả lời rõ ràng, rành mạch của anh khiến chúng tôi ngạc nhiên.
Anh H chia sẻ trong quá trình được các y bác sĩ chăm sóc và phục hồi chức năng, bệnh tình của anh đã đỡ hơn nhiều. Anh ngủ ngon hơn, tỉnh táo hơn và không còn suy nghĩ tiêu cực. “Dần dần, tôi thấy yêu nơi này lắm! Trong đợt COVID-19 vừa qua, khi tôi vừa khỏi bệnh thì cán bộ điều trị cho tôi lại mắc bệnh. Tôi thấy thương cán bộ vô cùng. Tôi coi họ như người thân ruột thịt trong gia đình. Hàng ngày tôi đều mong cán bộ nhanh chóng khỏi bệnh để tiếp tục chăm sóc và bầu bạn với tôi”, anh vui vẻ chia sẻ.
Chúng tôi theo chân chị Linh và chị Hà – hai y sĩ trẻ của trung tâm về nơi mà các chị gọi là “nhà”, một ngôi nhà đặc biệt. Đi qua hành lang dài, chị Linh dẫn chúng tôi tới một cánh cửa sắt, đằng sau đó là tổ chăm sóc của hai chị. Ánh nắng dìu dịu hắt lên mảnh sân gạch màu đỏ. Trước mắt chúng tôi là những màu áo của bệnh nhân tại trung tâm: Sắc trắng của áo bệnh nhân, sắc xanh của áo lao động và sắc vàng của đồng phục văn hóa văn nghệ.
Nhìn sang bên phải, một bác trai tóc đã điểm hoa râm đang cần mẫn làm vàng mã. Đó không chỉ là thứ vàng đem lại nguồn thu nhập cho họ mà còn là vật chứng quý giá minh chứng giá trị lao động miệt mài để đóng góp cho xã hội của các bệnh nhân nơi đây.
Bên cạnh sản xuất vàng mã, các bệnh nhân tại trung tâm còn được trải nghiệm một số ngành nghề khác như làm nông, làm đồ thủ công… (Ảnh: Huyền Trang)
Tấm lòng với bệnh nhân
Khi được hỏi về động lực công tác tại trung tâm, chị Linh thật tâm chia sẻ: “Sinh ra trong gia đình có bố mẹ là cán bộ ở trung tâm nên từ nhỏ tôi đã được chứng kiến và tiếp xúc với các bệnh nhân ở đây. Thấy họ như vậy tôi thương lắm. Đồng cảm với họ nên tôi quyết định về đây làm việc, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình”.
Tình cảm gắn bó như người thân ruột thịt giữa cán bộ và bệnh nhân ở đây khiến chúng tôi bùi ngùi xúc động. “Người bệnh như người thân của mình vậy, một ngày có 24 tiếng thì chúng tôi gắn bó ở đây suốt rồi, thân thiết đến nỗi nhớ rõ từng bệnh nhân thích ăn gì, ai có nguy cơ phát bệnh khi thời tiết thay đổi… Mỗi bệnh nhân đều có hoàn cảnh khác nhau, đều có những điều khiến mình trăn trở, bận tâm”.
Chị Linh, Y sĩ tại trung tâm trong buổi trò chuyện với nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao (Ảnh: Huyền Trang)
Hỏi chị Hà về cuộc sống của các bệnh nhân chúng tôi mới biết, thường bệnh nhân vào trung tâm là sẽ gắn bó cả đời ở đây. Bệnh nhân sống tại trung tâm không giống bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Người bệnh trước khi vào đây đã được chẩn đoán và điều trị ở các bệnh viện tuyến trên nhưng không hiệu quả; đa số mắc các bệnh đồng diễn với tâm thần phân liệt như lao, HIV, tiểu đường… Triệu chứng bệnh đa phần là rối loạn cảm xúc, mất năng lực hành vi và khả năng lao động, gây mất trật tự cộng đồng. Tình trạng bệnh dễ chuyển biến nặng nên nhiều bệnh nhân không thể sinh hoạt như người bình thường. Thậm chí với họ, sinh hoạt cá nhân như việc đánh răng, rửa mặt cũng là một trở ngại. Lâu dần họ sẽ mất đi những năng lực hành vi cơ bản nhất. Trách nhiệm của cán bộ y tế ở đây là giúp họ phục hồi, lấy lại những kĩ năng sống đó.
Những thách thức còn bỏ ngỏ
Những nỗi vất vả, khó khăn đằng sau công việc danh giá ấy không phải ai cũng thấu hiểu hết được. Nằm ở tuyến đường khá hẻo lánh, có những câu chuyện chưa được kể hết tại “Trung tâm chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội”.
“Chúng tôi dạo này cũng rất vất vả vì có khá nhiều bệnh nhân ung thư, bệnh nhân yếu liệt. Công việc gần như tương đương với phần việc của các bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu ở các bệnh viện rồi”, chị Hà kể cho chúng tôi nghe về hồi chị bắt đầu công tác tại trung tâm, lời chia sẻ đó khiến chúng tôi không thôi ngưỡng mộ bản lĩnh của những người hành nghề y đặc biệt. “Lúc còn trẻ mới về trung tâm, tôi cũng sợ chứ, sợ lắm! Tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không kiểm soát được hành vi mà tác động vật lý lên cán bộ”, chị Hà cho biết thêm.
Thời gian là liều thuốc xoa dịu mọi nỗi sợ hãi. “Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân càng lâu, tôi càng quen, càng rèn được bản lĩnh”, chị Hà bộc bạch. Đến bây giờ chúng tôi mới hiểu được tâm sự trước đó của chị: “Làm ở đây không như ở tuyến bệnh viện, phải xuất phát từ tâm thì mới làm được”. Gắn bó lâu dài với công việc này quả thực chưa bao giờ là điều dễ dàng với các y bác sĩ. Thế nhưng, tình cảm xuất phát tự đáy lòng đã giữ chân họ tiếp tục khoác lên mình chiếc áo trắng để “tô” màu rực rỡ cho cuộc sống vốn “ảm đạm” của các bệnh nhân đặc biệt. Chúng tôi nhớ như in lời khẳng định chắc nịch của chị: “Ngưỡng thời gian mười năm là giai đoạn khó khăn nhất mà tôi còn vượt qua được thì không có lý do gì mà trong thời gian tới tôi không tiếp tục gắn bó với công việc ý nghĩa này”.
Y sĩ tại trung tâm đang thực hiện công tác kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho các bệnh nhân (Ảnh: Trung tâm cung cấp)
Không dừng lại ở đó, chị bồi hồi tâm sự về những khó khăn khác: “Nhiều thiết bị máy móc của trung tâm hiện vẫn đang trong quá trình tu sửa vì đã qua sử dụng nhiều năm. Ngoài ra, bệnh nhân còn khó tiếp cận với các loại thuốc mới vì kinh phí của Nhà nước dành cho các địa điểm bảo trợ xã hội chưa được đảm bảo”.
Nói đến đây, chị dừng lại một lúc, dường như nghĩ ngợi điều gì, sau đó chị chia sẻ với chúng tôi: “Thế nhưng, thiếu thốn về kinh tế, thiết bị y tế chưa thấm vào đâu so với sự thiếu thốn về nhân lực. Lực lượng bác sĩ ở trung tâm còn nhiều chênh lệch so với số lượng bệnh nhân: chỉ có duy nhất một bác sĩ chuyên môn điều trị cho gần 700 bệnh nhân”. Đó không chỉ là trăn trở của riêng chị Hà mà còn là nỗi lo chung của tất cả các cán bộ, y bác sĩ tại trung tâm.
Thực sự kính trọng và ngưỡng mộ các y bác sĩ đã dành hết tuổi xuân của mình cho nơi này. “Hẳn mọi người ở đây phải yêu nghề, thương các bệnh nhân lắm thì mới có thể gắn bó lâu đến vậy”. Nghe vậy, chị cười xòa: “Ôi, chuyện bình thường, yêu lắm!”.
Vị bác sĩ vẫn luôn giữ lửa với nghề và có một niềm tự hào lớn…
Chúng tôi được dẫn đến gặp bác sĩ duy nhất tại trung tâm, bác sĩ Lê Hữu Thuận. Làm việc tại đơn vị đặc thù như vậy, bác Thuận vẫn luôn giữ lửa với nghề và có một niềm tự hào lớn dành cho trung tâm cũng như các bệnh nhân nơi đây.
“Thành tựu lớn nhất của tôi chính là giúp cho nhiều bệnh nhân ổn định lại sức khỏe tâm thần và tái hòa nhập cộng đồng. Suốt 23 năm, có nhiều bệnh nhân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi, đặc biệt là trường hợp của anh Đoàn. Khoảng 10 năm trước, Đoàn vào trung tâm với tình trạng tóc tốt ngang vai, móng chân, móng tay đều dài và sắc. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi biết được rằng người nhà đã nhốt anh ở tầng 4, không tắm hàng tháng trời. Thế nên, khi vào trung tâm, có thể nói anh trong trạng thái như ‘người rừng’. Tuy nhiên, sau khi được các y bác sĩ chăm sóc và điều trị, Đoàn đã có thể lao động và làm việc như người bình thường”, bác sĩ Thuận chia sẻ.
Mặc dù tình hình sức khỏe khá phức tạp, các bệnh nhân tại trung tâm vẫn giữ cho mình thói quen đọc sách hàng ngày theo lời khuyên của các y bác sĩ (Ảnh: Trung tâm cung cấp)
Bên cạnh đó, với tâm huyết xoá bỏ định kiến về bệnh nhân tâm thần, các nhân viên ở trung tâm đang dần khẳng định rằng rất nhiều người bệnh đã có thể tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt cho đất nước”.
Giấc mơ còn dang dở…
Chia tay bác sĩ Thuận, đoàn chúng tôi tiếp tục rảo bước tới phòng Y tế phục hồi chức năng. Ở đây, chúng tôi gặp cán bộ y tế Long và được lắng nghe về những nỗi niềm, mong mỏi của anh Long: “Trong ngành y, kể cả những đồng nghiệp khi nhắc đến cán bộ y tế mảng tâm thần vẫn tồn tại sự kỳ thị. Cho đến 4 năm trở lại đây, sự nhìn nhận của cộng đồng mới có những chuyển biến nhất định. Chúng tôi mong sao xã hội sẽ thật sự thấu hiểu lực lượng cán bộ, nhân viên công tác trong ngành tâm thần. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng có ước nguyện rằng cộng đồng có thể quan tâm hơn đến công việc sau này của các bệnh nhân, để khi họ ra khỏi trung tâm đều sẽ có cơ hội việc làm giúp nuôi sống bản thân và tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả nhất”.
Cán bộ y tế tại trung tâm đang tận tình dặn dò bệnh nhân của mình (Ảnh: Trung tâm cung cấp)
Sau một hồi tâm sự, anh mong rằng thế hệ trẻ như chúng tôi có thể mở rộng tư tưởng hơn, nhìn nhận về ngành Tâm thần học một cách khách quan hơn bởi đây ngành đòi hỏi sự hy sinh và cống hiến mà không phải ai cũng thực hiện được. Tất cả cán bộ tại trung tâm đều hy vọng rằng Nhà nước sẽ có thêm các chế độ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực trong ngành Tâm thần học bởi các trung tâm bảo trợ xã hội đang trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là vị trí bác sĩ.
Ánh chiều tà dần buông xuống, dải cam hồng từ cuối chân trời giăng mắc khắp không gian. Chúng tôi vẫn trò chuyện hăng say cho đến khi tiếng chuông điện thoại của anh cắt ngang cuộc hội thoại. “Alo, bệnh nhân tỉnh chưa, cho dùng thuốc lao chưa, người nhà còn đấy không? Trông cẩn thận không bệnh nhân nhảy lầu đấy”. Cuộc điện thoại bất chợt của anh khiến chúng tôi vừa xót xa vừa khâm phục. Hóa ra sinh mệnh của những bệnh nhân ở đây mong manh đến vậy. Hóa ra nhiệm vụ của các y bác sĩ nơi này lớn lao đến thế, không chỉ phục hồi thể lực, trí lực mà còn cần chăm sóc “tâm lực” của mỗi người bệnh.
Anh Long chào tạm biệt chúng tôi với câu hẹn gặp lại vào một ngày không xa. Bóng hình khoác áo blouse trắng đi ngược lại ánh hoàng hôn đã để lại trong lòng chúng tôi một cảm giác bồi hồi khó tả. Dẫu không nói với nhau điều gì nhưng chúng tôi đều ngầm hiểu rằng cuộc hành trình cao cả này sẽ còn tiếp tục và kéo dài mãi.
Huyền Trang – Ngọc Ánh – Hà Vy