Hotline: +84 0777. 943. 888

Những dấu hiệu cảnh báo sắp khởi phát bệnh tim

02/11/2024 16:20

Hầu hết mọi người đều biết đau ngực là triệu chứng điển hình của bệnh tim. Trên thực tế, các chuyên gia sức khỏe Mỹ cảnh báo bệnh lý đe dọa đến tính mạng này còn có thể biểu hiện thông qua một số dấu hiệu bất thường, nhẹ hoặc khó nhận biết khác.

Hầu hết mọi người đều biết đau ngực là triệu chứng điển hình của bệnh tim. Trên thực tế, các chuyên gia sức khỏe Mỹ cảnh báo bệnh lý đe dọa đến tính mạng này còn có thể biểu hiện thông qua một số dấu hiệu bất thường, nhẹ hoặc khó nhận biết khác.

Nhận biết chính xác dạng đau ngực do bệnh tim

Robert Greenfield, chuyên gia tim mạch và kiểm soát nguy cơ tăng cholesterol tại Trung tâm Y tế Orange Coast cho biết, một cơn đau ngực điển hình do bệnh tim là cảm giác đè nặng khó chịu ở giữa ngực, giống như bị chèn ép vùng ngực. Nó có thể lan xuống cánh tay (thường là cánh tay trái hoặc cả 2 cánh tay) và có thể đi kèm cảm giác khó thở và toát mồ hôi lạnh. Còn nếu cơn đau ngực xuất hiện khi đang làm việc gắng sức và hết khi nghỉ ngơi, thì đó là tình trạng đau thắt ngực – một dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy tim đang gặp vấn đề. “Cơn đau thắt ngực thường kéo dài vài phút, nhưng nếu lâu hơn thì tốt nhất là nên gọi cấp cứu”, Greenfield nói.

Bác sĩ tim mạch Nicole Weinberg tại Trung tâm Y tế Providence Saint John cho biết, ngoài triệu chứng đau ngực đặc trưng, mọi người cần để mắt tới bất kỳ triệu chứng lạ nào xuất hiện trong khi tập thể dục, như bỗng dưng thấy buồn nôn khi tập luyện chẳng hạn. Theo đó, nguyên tắc vàng là nếu triệu chứng xuất hiện, đặc biệt là khi đang dùng sức và không thuyên giảm trong 5 phút, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

tucnguc

(Ảnh minh họa: Eatthis)

Những dấu hiệu báo động “đỏ”:

Cực kỳ mệt mỏi: Tuy có nhiều bệnh cũng gây ra cảm giác mệt mỏi, nhưng nếu tình trạng này diễn ra dai dẳng, không rõ nguyên nhân và khiến bạn phải dừng lại để nghỉ ngơi hoặc lấy lại hơi thở ngay cả khi thực hiện các sinh hoạt thường ngày, thì đó có thể là một dấu hiệu cho thấy chức năng tim đang bất ổn.

Đau họng hoặc quai hàm: Bệnh tim có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ngay cả những người khỏe mạnh, tích cực chăm sóc bản thân và nghĩ rằng họ không có bất kỳ nguy cơ nào. Lời khuyên là ngoài để ý đến tình trạng khó chịu ở ngực, khó thở khi gắng sức, kiệt sức khi hoạt động cường độ vừa phải hoặc nhịp tim không đều, mọi người cũng cần thận trọng khi thấy đau họng hoặc hàm một cách đột ngột hoặc tái diễn. Bởi nếu các dấu hiệu cảnh báo sớm không được theo dõi và xử trí kịp thời, chúng có thể chuyển sang trạng thái nghiêm trọng hơn như một cơn đau tim.

Khó thở: Nhiều người cho rằng khó thở là do tăng cân nhanh, nhưng nếu cảm thấy bản thân thở hổn hển sau khi thực hiện các hoạt động bình thường như đi cầu thang bộ, nhiều khả năng sức khỏe tim đang có vấn đề.

Tim đập nhanh: Thông thường, chúng ta cảm thấy tim đập nhanh hơn sau khi tiêu thụ nhiều chất kích thích caffeine hoặc khi căng thẳng tinh thần. Nhưng nếu chỉ ngồi yên đọc sách mà vẫn thấy tim mình đập bất thường – quá nhanh hoặc không đều, nên cảnh giác và tầm soát bệnh tim.

Sưng hoặc phù chân dai dẳng: Tình trạng phù hay sưng chân không cải thiện dù đã kê chân cao khi ngồi hoặc nằm là một dấu hiệu phổ biến cho thấy bệnh tim đang phát triển. Do đó, nếu thấy tình trạng sưng kéo dài, bạn nên tìm đến chuyên gia tim mạch để được tầm soát bệnh tim.

Ngoài việc để mắt tới các dấu hiệu bất thường kể trên, mọi người cần chủ động tìm hiểu các chỉ số thể hiện tình trạng sức khỏe tim bao gồm chỉ số khối cơ thể (BMI), huyết áp, hàm lượng cholesterol và chỉ số đường huyết A1c trong cơ thể. Theo các chuyên gia, việc nắm được thông tin quan trọng đó giúp quản lý và bảo vệ sức khỏe tim hiệu quả hơn.

Theo Eatthis.com

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888