Những điều cần biết về bệnh Polyp túi mật
Polyp túi mật là những u nhú hình thành từ lớp niêm mạc bên trong của túi mật. Đa số Polyp túi mật là dạng lành tính, chỉ là các khối cholesterol được tích tụ chứ không phải là các tế bào ung thư, nhưng nó cũng có thể là những khối u nhỏ chứa các tế bào ung thư.
Polyp túi mật là những u nhú hình thành từ lớp niêm mạc bên trong của túi mật. Đa số Polyp túi mật là dạng lành tính, chỉ là các khối cholesterol được tích tụ chứ không phải là các tế bào ung thư, nhưng nó cũng có thể là những khối u nhỏ chứa các tế bào ung thư.
Nguyên nhân gây Polyp túi mật và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây Polyp túi mật hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Theo đó, túi mật là một cơ quan có kích thước bằng quả lê, nằm bên dưới gan, thực hiện chức năng lưu trữ và cô đặc mật (muối mật, cholesterol, chất béo và sắc tố mật). Sau đó, cơ thể sử dụng mật để phân hủy và hấp thụ chất béo. Polyp có thể dễ hình thành hơn nếu quá trình phân hủy chất béo không diễn ra thuận lợi.
Polyp túi mật ác tính thường hiếm gặp. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành, bao gồm: Người trên 50 tuổi; người mắc bệnh tiểu đường; kích thước polyp tăng bất thường; Người mắc sỏi mật.
Các triệu chứng thường gặp
Các triệu chứng của Polyp túi mật thường không đặc hiệu và rõ ràng, nhiều trường hợp còn không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Do đó, tổn thương này thường được phát hiện tình cờ trong quá trình thăm khám. Một số người bệnh có polyp đôi khi nhận thấy những triệu chứng sau:
Nôn, buồn nôn; thỉnh thoảng đau vùng hạ vị do các mảnh cholesterol tách ra khỏi niêm mạc; khó tiêu; vàng da; Polyp đôi khi được xác định thông qua siêu âm ổ bụng, thực hiện khi người bệnh bị đau vùng phần tư phía trên bên phải. Trong trường hợp không có các bất thường khác, Polyp túi mật được coi là nguồn gốc của cơn đau quặn mật.
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
Công thức máu: Tăng số lượng bạch cầu (12.000-14.000/mm3) trong trường hợp viêm túi mật cấp.
Các chỉ số chức năng gan mật tăng, đôi khi có tăng Amylase máu và trong nước tiểu.
Siêu âm ổ bụng được coi là phương pháp kiểm tra tốt nhất trong chẩn đoán polyp túi mật, không chỉ bởi khả năng tiếp cận hiệu quả, chi phí thấp mà còn nhờ vào độ nhạy và độ đặc hiệu tốt.
Điều trị polyp túi mật
Phẫu thuật cắt bỏ túi mật nội soi: Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, cho phép bác sĩ loại bỏ túi mật thông qua vết mổ nhỏ. Phương pháp này thường được ưu tiên hơn do ít gây ra biến chứng cũng như thời gian hồi phục nhanh (thường chỉ khoảng 2 tuần). Các ưu điểm của phẫu thuật cắt túi mật nội soi so với phẫu thuật mở: thẩm mỹ, ít đau, tỉ lệ biến chứng thấp, thời gian nằm viện ngắn, thời gian làm việc trở lại sớm.
Về sử dụng thuốc và chăm sóc sau phẫu thuật
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị do bác sỹ điều trị đưa ra trước, trong quá trình phẫu thuật và tiếp tục sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật. Bên cạnh đó bệnh nhân sẽ được thay băng, vệ sinh vết mổ hằng ngày.
Chế độ dinh dưỡng
Tạm nhịn ăn trong 24h đầu sau mổ, truyền dịch bồi dưỡng. Sau ngày 2 – 3: Chỉ nên ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như cháo, súp, nước ép từ trái cây ít ngọt và nước lọc hoặc một chút rau xanh. Nên ăn làm nhiều bữa trong ngày, mỗi lần một lượng nhỏ để đảm bảo có đủ dịch mật tiêu hóa thức ăn. Sau đó có thể ăn uống lại bình thường: chế độ ăn đặc với những thực phẩm nhiều chất xơ như trái cây, ngũ cốc, cá, thịt gà nhưng vẫn cần hạn chế thịt bò, thịt lợn. Nguồn chất béo tốt từ hạt lanh, quả bơ, cá cũng rất tốt vì chúng chứa các acid béo không no như omega 3, omega 6.
Về vận động
Người bệnh nên vận động nhẹ nhàng, ngày thứ 2 sau mổ nên ngồi dậy kết hợp đi lại nhẹ nhàng trong bệnh viện.
BS Trần Tiển Tín