Những điều cha mẹ cần biết về táo bón ở trẻ em
Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp trong thực hành nhi khoa với tỷ lệ mắc ở trẻ em dao động trong khoảng 1-30%. Táo bón là nguyên nhân khiến trẻ phải đi khám tại các phòng khám nhi khoa là 3-5% và tại các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa nhi là 35%.
Táo bón không phải là một bệnh mà là triệu chứng thường gặp trong thực hành nhi khoa với tỷ lệ mắc ở trẻ em dao động trong khoảng 1-30%. Táo bón là nguyên nhân khiến trẻ phải đi khám tại các phòng khám nhi khoa là 3-5% và tại các phòng khám chuyên khoa tiêu hóa nhi là 35%.
Táo bón được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ROME IV, táo bón chức năng được xác định khi:
– Trẻ dưới 4 tuổi triệu chứng phải kéo dài ít nhất 1 tháng và phải có ít nhất 2 trong số các tiêu chuẩn sau:
– Đại tiện ≤ 2 lần/tuần.
– Tiền sử ứ phân quá mức.
– Tiền sử đại tiện phân cứng hoặc đau khi đại tiện.
– Tiền sử đại tiện phân khuôn kích thước lớn, có thể làm tắc bồn cầu.
– Có khối phân lớn trong trực tràng.
– Són phân ít nhất 1 lần/tuần sau khi đã đạt được kỹ năng đại tiện ở nhà vệ sinh.
– Trẻ trên 4 tuổi các triệu chứng phải xuất hiện ít nhất 1 lần/ tuần, kéo dài tối thiểu 1 tháng và phải có ít nhất 2 trong số các tiêu chuẩn sau và không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng ruột kích thích.
Các bác sĩ Khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho 1 bệnh nhi
– Đại tiện ≤ 2 lần/tuần.
– Són phân ít nhất 1 lần/tuần.
– Tiền sử nhịn đi ngoài hoặc ứ phân quá mức một cách tự ý.
– Tiền sử đi phân cứng hoặc đau khi đi ngoài.
– Có khối phân lớn trong trực tràng.
– Tiền sử đi ngoài khuôn phân kích thước lớn, có thể làm tắc bồn cầu.
Sau khi thăm khám, các triệu chứng không thể được giải thích đầy đủ bởi bất kỳ tình trạng bệnh lý nào.
Nguyên nhân
Phần lớn táo bón do nguyên nhân cơ năng (chiếm 90%), do rối loạn hấp thụ nước và điện giải ở đại trực tràng và rối loạn động tác co bóp – tống phân ra ngoài.
Khoảng 10% táo bón có nguyên nhân thực thể: bệnh phình đại tràng bẩm sinh, suy giáp trạng (bệnh Myxodeme), dị tật hậu môn trực tràng…
Chẩn đoán
Chẩn đoán chủ yếu dựa trên lâm sàng. Tiền sử và khám thể chất là nền tảng trong chẩn đoán và điều trị táo bón mãn tính.
Cần khai thác kỹ các dấu hiệu của táo bón để định hướng tìm nguyên nhân: tính chất đại tiện, tính chất phân, tiền sử bệnh, tiền sử sử dụng thuốc; khám bụng tìm khối u phân và đánh giá tình trạng hậu môn.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có giá trị: Chụp đại tràng có cản quang cho phép tìm các dấu hiệu gợi ý bệnh Hirschprung với các đoạn đại tràng có kích thước khác nhau: đoạn hẹp, đoạn chuyển tiếp và đoạn giãn. Ngoài ra, đo áp lực hậu môn trực tràng cũng là một phương tiện chẩn đoán có giá trị, giúp phân biệt bệnh Hirschprung hay không thông qua phản xạ Rair, đồng thời giúp đánh giá các rối loạn đồng vận trong táo bón cơ năng và đề xuất điều trị phù hợp.
Điều trị
Điều trị táo bón là điều trị theo nguyên nhân của táo bón. Trong trường hợp trẻ bị táo bón cơ năng, điều trị nội khoa bằng thuốc nhuận tràng kết hợp với chế độ ăn và thay đổi hành vi là vô cùng quan trọng.
Giáo dục và điều trị hành vi:
– Cộng đồng có nhiều khái niệm khác nhau về táo bón có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị lâm sàng. Do đó, giáo dục nhận thức cho cha mẹ và bệnh nhân về sinh lý bệnh và các yếu tố nguy cơ sẽ giúp giảm lo âu và tăng mức độ tham gia vào quá trình điều trị.
– Điều trị hành vi đối với trẻ bị táo bón nhằm điều chỉnh thói quen đại tiện, loại bỏ thói quen giữ phân.
Chế độ ăn: Đây là một phương pháp phổ biến hướng dẫn bệnh nhân bị táo bón tăng lượng dịch lỏng và lượng chất xơ ăn vào.
– Lượng chất xơ ăn vào thấp đã được coi là yếu tố nguy cơ đối với táo bón.
– Lượng chất xơ ăn hàng ngày tối thiểu được khuyến cáo là: (tuổi + 5g/ngày).
Thuốc: Sử dụng các thuốc nhuận tràng để làm mềm phân, thuận lợi cho quá trình tống phân ra ngoài. Một số nhóm thuốc nhuận tràng có thể được sử dụng trên lâm sàng:
– Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Lactulose, Hydroxit magie, Polyethylen glycol, PEG, Sorbitol.
– Thuốc nhuận tràng kích thích: Xiro Senna, Bisacodyl (viên nén 5mg)
Điều trị phản hồi sinh học – Biofeedback:
– Phản hồi sinh học là một chương trình luyện tập để học cách kiểm soát các hoạt động sinh học của cơ thể. Trong phản hồi sinh học, bệnh nhân được cung cấp biểu đồ bằng hình ảnh về áp lực trực tràng và điện cơ đồ của cơ thắt hậu môn ngoài và được hướng dẫn để giãn cơ thắt hậu môn ngoài cùng với sự gia tăng áp lực trực tràng.
– Phương pháp này có tác dụng tốt đối với bệnh nhân bị táo bón loạn đồng vận đáy chậu và giúp những bệnh nhân này giãn đáy chậu và cơ thắt hậu môn ngoài để có thể đạt được khả năng đại tiện bình thường.
Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu táo bón?
Cha mẹ bệnh nhi nên đưa con đến khám tại các cơ sở chuyên khoa nhi để được khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Ths.Bs Đặng Thị Huyền Trang – Khoa phẫu thuật nhi và trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức