Hotline: +84 0777. 943. 888

Nồng độ ethanol trong máu và tai nạn giao thông

02/11/2024 15:39

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 58/2009/TT-BCA do Bộ Công an ban hành thì tai nạn giao thông (TNGT) được định nghĩa là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con ng­ười hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Theo Khoản 1 Điều 5 Thông tư 58/2009/TT-BCA do Bộ Công an ban hành thì tai nạn giao thông (TNGT) được định nghĩa là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây ra những thiệt hại nhất định đến tính mạng, sức khoẻ của con ng­ười hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Trên thế giới, trung bình khoảng 24 giây có 1 người tử vong vì TNGT. Mỗi năm, có khoảng 1,35 triệu người trên thế giới chết vì TNGT. Trong số đó, ước tính khoảng 273.000 ca tử vong được cho là có liên quan đến uống rượu bia khi lái xe (20,2%). Trên thế giới, TNGT là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi [1,2]. Theo WHO, ngoài những người thiệt mạng, hàng năm TNGT còn khiến từ 20-50 triệu người bị thương tật trên khắp thế giới, trong đó nhiều người bị tàn phế suốt đời [1,2]

Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý I/2024 (từ ngày 15/12/2023 – 14/3/2024), toàn quốc xảy ra 6.550 vụ TNGT, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.194 vụ (22,3%), giảm 484 người chết (15,1%), tăng 1.847 người bị thương (54,3%). Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông năm 2022, 80% người bị TNGT ở Việt Nam từ 20-50 tuổi. Điều này không chỉ khiến Việt Nam mất đi nguồn tài sản quý giá là tính mạng người dân, lực lượng lao động quan trọng mà còn gây ra nhiều gánh nặng lâu dài cho xã hội.

Nhìn chung, TNGT là một vấn đề phức tạp đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa giáo dục, thực thi và can thiệp chính sách để giải quyết một cách hiệu quả. Cần có những nghiên cứu và sáng kiến ​​sâu hơn để giảm tỷ lệ thương tích và tử vong do TNGT ở Việt Nam và thế giới.

Nồng độ Ethanol Trong Máu

Nồng độ ethanol và tai nạn giao thông trên thế giới và Việt Nam

Có nhiều nguyên nhân gây ra TNGT như người tham gia giao thông không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường; vi phạm quy định nồng độ ethanol, chất kích thích; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế…

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng đồ uống có ethanol khi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT trên thế giới. Tại Thái Lan , Kasantikul và cộng sự (2005) đã nghiên cứu vai trò của rượu trong các vụ tai nạn xe máy, kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra tác động đáng kể của việc uống rượu đối với an toàn giao thông [3]. Patel và cộng sự (2019) đã đề xuất một hệ thống dựa trên IoT nhằm bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn để phát hiện rượu nhằm mục đích cải thiện sự an toàn cho người lái xe [2]. Sharma và cộng sự (2021) đã tiến hành một nghiên cứu dịch tễ học về các vụ TNGT ở Đông Ấn Độ cho kết quả khi xảy ra TNGT thì 3,33% không có giấy phép lái xe hợp lệ và khoảng 25,2% là do uống rượu [4]. Nhìn chung, kết quả của các nghiên cứu này đã cho thấy có mối liên quan giữa các vụ TNGT với việc uống rượu và cần thiết phải thực hiện các biện pháp can thiệp, chính sách hiệu quả để giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc uống rượu và lái xe.

Ở Đông Nam Á, theo số liệu của nhiều nghiên cứu, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do TNGT liên quan đến rượu bia cao nhất với tỷ lệ trên 18%, trong khi các nước khác có tỷ lệ thấp hơn như Lào (15,85%), Thái Lan (13,15%), Timor Leste (0,15%), Myanmar (0,25%), Brunei (0,3%), Malaysia (0,7%), Indonesia (1,9%) và Singapore (2,25%%) [5,6,7,8,9]. Ở Châu Á, tỷ lệ này ở Ấn Độ là 17,6%, Hàn Quốc 14,6% và Trung Quốc 13,3%. Mông Cổ là nước có tỷ lệ này cao nhất ở châu Á (20,7%) [3,4].

Nồng độ Ethanol Trong Máu 2

Chuyển hóa trong cơ thể và ảnh hưởng của ethanol đến người điều khiển phương tiện giao thông

Ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, là thành phần có trong các đồ uống có cồn như rượu, bia… Ethanol là chất lỏng không màu trong suốt, dễ bay hơi, có mùi đặc trưng và vị cay. Khi uống vào cơ thể, khoảng 20% ethanol được hấp thu ở dạ dày và 80% hấp thu ở ruột non. Ethanol được hấp thu từ ruột non sẽ theo tĩnh mạch cửa đến gan. Tại gan, 90% ethanol được chuyển hóa, một phần nhỏ được bài tiết nguyên dạng qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu.

Tại gan ethanol được chuyển hóa bởi hệ thống enzyme ADH (alcol dehydrogenase). Các enzyme ADH biến đổi ethanol tạo thành acetaldehyde là chất gây độc lên hầu hết các hệ cơ quan. Sau đó, gan sẽ chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ enzyme ALDH (aldehyd dehydrogenase) và glutathione. Acetate là chất ít độc hơn và được các tế bào trong cơ thể chuyển hóa thành năng lượng và CO2. Như vậy khả năng giải độc acetaldehyde của gan phụ thuộc vào lượng enzyme và chất chống oxy hóa glutathione do gan tiết ra. Song khả năng của gan chỉ có hạn, nó chỉ có thể sản sinh ra một lượng enzyme nhất định sau mỗi giờ, tương ứng với một lượng acetaldehyde nhất định được chuyển hóa. Do vậy nếu uống rượu, bia với số lượng quá nhiều thì gan không kịp sản xuất đủ số lượng enzyme để chuyển hóa acetaldehyde. Khi đó acetaldehyde tồn tại trong cơ thể, gây phá hủy tế bào gan và các tác hại lên các cơ quan khác [10].

Ethanol của người uống xuất hiện trong hơi thở vì nó được hấp thụ từ miệng, cổ họng, dạ dày, ruột non rồi đi vào máu. Ethanol không được chuyển hóa khi hấp thụ và cũng không thay đổi về mặt cấu trúc hóa học khi lưu thông trong máu. Do đó, khi máu đi qua phổi, do ethanol dễ bay hơi nên dễ dàng di chuyển qua màng hô hấp của phổi đi vào không khí.

Nồng độ ethanol trong máu thay đổi theo thời gian, thường tăng cao nhất sau 1 giờ và được thải trừ ra ngoài cơ thể sau 4 – 5h. Nồng độ ethanol trong máu xuất hiện chậm hơn và ở mức tăng thấp hơn khi hấp thụ rượu xảy ra trong và sau bữa ăn, hay khi hấp thu rượu cùng với đường.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ảnh hưởng của nồng độ ethanol trong cơ thể đến người điều khiển phương tiện giao thông. Ethanol trong máu ở một nồng độ nhất định sẽ khiến não bộ xử lý thông tin chậm chạp, phản xạ có điều kiện theo đó cũng suy giảm, vì vậy làm tăng nguy cơ dẫn đến tai nạn. Chẳng hạn, khi thấy một người đi ngang đường bất ngờ cần phải phanh xe gấp, não của người lái xe sẽ mất một khoảng thời gian lâu hơn để đưa ra quyết định.

Khi nồng độ ethanol trong cơ thể cao, khả năng phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể như mắt, tay, chân bị ảnh hưởng. Những dấu hiệu của tình trạng này bao gồm đi đứng loạng choạng, ngồi không vững, thậm chí còn khó khăn để ngồi lên xe.

Tập trung là điều cần thiết để lái xe an toàn, tránh các sự cố va chạm. Nồng độ ethanol trong cơ thể cao ảnh hưởng đến khả năng tập trung của người lái xe, mất tập trung khi lái xe rất dễ gây ra tai nạn.

Ethanol trong máu có thể làm tổn thương các mô của mắt từ giác mạc, kết mạc đến võng mạc và thần kinh thị giác gây giảm thị lực, thậm chí không điều khiển được mắt. Khi thị lực giảm khiến người lái xe không nhìn thấy rõ các vật thể xung quanh từ đó dễ gây tai nạn.

Quy định về xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn

Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển  xe  ô tô và các loại  xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; xe máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

* Đối với người điều khiển xe  ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

– Phạt tiền từ 6.000.000-8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/dL máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 16.000.000-18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/dL máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 30.000.000-40.000.000 đồng đối với người điều khiển  xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/dL máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở.

* Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả  xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự  xe gắn máy:

– Phạt tiền từ 2.000.000-3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/dL máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 4.000.000-5.000.000 đồng đối với người điều khiển trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/dL máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

– Phạt tiền từ 6.000.000-8.000.000 đồng đối với người điều khiển  xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/dL máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở.

Các phương pháp xác định nồng độ ethanol trong cơ thể

Có hai phương pháp hiện nay đang được sử dụng phổ biến để kiểm tra mức độ ethanol trong cơ thể là đo nồng độ ethanol trong hơi thở và định lượng nồng độ ethanol trong máu.

Đo nồng độ ethanol qua hơi thở

Phương pháp này dựa vào sự chuyển đổi màu của chất oxi hóa CrOđể xác định nồng độ ethanol. Khi người dùng thở vào máy, hơi thở chứa ethanol tiếp xúc với bột oxit CrO3 trong máy sẽ tạo ra phản ứng oxi hóa. Chất oxit CrO3 màu vàng cam sẽ được khử thành oxit Cr2O3 màu xanh đen. Máy đo có cảm biến quang học để đo màu sắc của hơi thở sau phản ứng. Dựa trên màu sắc, thiết bị sẽ tính toán và hiển thị nồng độ ethanol trong hơi thở của người dùng dưới dạng độ v/v (volume/volume) hoặc dạng khác tùy thuộc vào dòng sản phẩm.

Phương pháp đo nồng độ ethanol trong hơi thở cho kết quả nhanh và tương đối chính xác, phù hợp với công tác kiểm tra tại chỗ việc sử dụng đồ uống có ethanol đối với người điều khiển các phương tiện giao thông. Nồng độ ethanol trong không khí phế nang phản ánh nồng độ ethanol trong máu. Khi ethanol trong phổi đi ra ngoài khi thực hiện động tác thở ra, thiết bị kiểm tra nồng độ ethanol bằng máy đo nồng độ ethanol có thể phát hiện ra nồng độ ethanol trong hơi thở. Thay vì phải lấy máu của tài xế để kiểm tra nồng độ ethanol, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra hơi thở của tài xế ngay tại chỗ và nhanh chóng để biết liệu tài xế này có say rượu ngộ độc rượu và dẫn tới hành vi vi phạm giao thông hay không.

Định lượng nồng độ ethanol trong máu

Định lượng nồng độ ethanol trong máu (BAC: Blood Alcohol Concentration) là phương pháp xét nghiệm máu để xác định nồng độ ethanol trong máu. Phương pháp này có tính chính xác cao hơn so với đo nồng độ ethanol qua hơi thở nên thường được sử dụng đối với các tình huống liên quan đến pháp lý (đối với người gây ra TNGT khi lái xe) hoặc chẩn đoán các bệnh lý cấp tính liên quan đến ngộ độc rượu cấp, điều trị y khoa….

Xét nghiệm định lượng nồng độ ethanol trong máu

Nguyên lý

Hiện nay, tại Bộ môn Khoa Sinh hóa, Bệnh viện Quân y 103, ethanol được định lượng trên máy Olympus AU5800 của hãng Beckman Coulter, Hoa Kỳ theo phương pháp enzym động học. Ethanol và NAD được chuyển thành  acetaldehyd và NADH  dưới xúc tác của ADH (alcol dehydrogenase). NADH được hình thành trong quá trình phản ứng làm thay đổi độ hấp thụ quang học. Tiến hành đo độ hấp thụ ở bước sóng 340nm.

Bệnh phẩm

Mẫu bệnh phẩm để định lượng ethanol trong máu là máu tĩnh mạch được ấy vào ống không có chất chống đông hay ống có chất chống đông là Li-Heparin và EDTA. Mẫu phải được vận chuyển tới phòng xét nghiệm trong vòng 30 phút.

Chỉ định xét nghiệm

– Chẩn đoán: giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh lý liên quan đến nồng độ ethanol trong máu.

– Bằng chứng pháp lý: đối với người gây ra tai nạn giao thông khi lái xe.

Giá trị tham chiếu

Quy trình xét nghiệm ethanol sử dụng hoá chất và máy Olympus AU5800 định lượng chính xác nồng độ ethanol huyết tương trong khoảng 10-600 mg/dL (0,01–0,60%, 0,1–6,0 g/L). Khi nồng độ ethanol trong huyết tương <10 mg/dL, kết quả xét nghiệm sẽ được hiển thị thành “ÂM TÍNH” trong phiếu kết quả xét nghiệm. Khi nồng độ ethanol trong huyết tương >10 mg/dL, kết quả xét nghiệm hiển thị chính xác giá trị định lượng được.

Những yếu tố ảnh hưởng chỉ số xét nghiệm nồng độ ethanol trong máu

Thông thường, chỉ số xét nghiệm nồng độ ethanol trong máu không bị ảnh hưởng khi huyết thanh vàng, tan huyết… Tuy nhiên, kết quả nồng độ ethanol trong máu có thể thay đổi nếu:

– Sử dụng cồn để làm sạch da trước khi chèn kim để rút máu.

– Có ceton máu cao như trong nhiễm toan đái tháo đường.

– Uống thuốc ho có chứa cồn hoặc các sản phẩm sức khỏe tự nhiên (kava hoặc nhân sâm…)

– Uống các rượu khác (rượu isopropyl hoặc metanol…).

– Bệnh nhân dùng đồng thời với các thuốc như thuốc kháng histamin, barbiturat, chlordiazepoxid, diazepam, isoniazid, meprobamat, opiat, phenyltoin và thuốc an thần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Andrade S. S. and M. H. Jorge (2017), “Hospitalization due to road traffic injuries in Brazil, 2013: hospital stay and costs”, Epidemiol Serv Saude, 26(1).
  2. 2. Dhruvesh H. PatelParth SadatiyaDhruvbhai K. PatelPrasann Barot (2019), “IoT based Obligatory usage of Safety Equipment for Alcohol and Accident Detection”, Communication and Aerospace Technology (ICECA).
  3. 3. Vira KasantikulJames V OuelletTerry SmithJetn SirathranontViratt Panichabhongse (2005), “The role of alcohol in Thailand motorcycle crashes”, National Library of Medicine.
  4. 4. Sharma, Sumita; Patnaik, Lipilekha; Mohanty, Sambedana; Sahu, Trilochan (2021), “An Epidemiological Study on Road Traffic Accidents at a Tertiary Care Hospital of Eastern India”, Journal of Datta Meghe Institute of Medical Sciences University 16(2).
  5. 5. Vũ Mạnh Độ (2013): Thực trạng và hậu quả thương tích giao thông đường bộ ở người bệnh điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định 3 tháng đầu năm 2013, Luận văn thạc sĩ Y tế cộng đồng, Đại học Y Dược Thái Bình.
  6. 6. Nguyễn Trung Kiên (2020), “Nghiên cứu tình hình chấn thương và đánh giá xử trí cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại bệnh viện 121 năm 2019-2020”, Luận văn chuyên khoao cấp II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
  7. 7. Lê Thị Hồng Lĩnh (2014), “Thực trạng và công tác cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ tại Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp Hải Phòng năm 2013”, Luận văn Thạc sỹ Y tế công cộng, Đại học Y dược Hải Phòng.
  8. 8. Trần Minh Hào,Vũ Minh Hải (2021), “Mức độ chấn thương và thực trạng sơ cấp cứu trước viện tai nạn giao thông đường bộ đến khám tại bệnh viện đa khoa Tiền Hải, Thái Bình năm 2016”, Tạp chí Y học Việt Nam.
  9. 9. Huỳnh Văn Hùng (2012), “Nghiên cứu tình hình thương tích do tai nạn giao thông đường bộ đến khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau”, Luận án chuyên khoa cấp II , Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
  10. 10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ethanol

Thạc sĩ Lê Thanh Hà-BMK Sinh hóa – Bệnh viên quân y 103

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888