Phát hiện và can thiệp sớm trẻ dính phanh lưỡi
Dính phanh lưỡi là một dị tật bẩm sinh vùng miệng, khi phần mô dưới lưỡi (gọi là phanh/hãm lưỡi) căng hoặc ngắn hơn bình thường làm hạn chế tầm vận động của lưỡi.
Dính phanh lưỡi là một dị tật bẩm sinh vùng miệng, khi phần mô dưới lưỡi (gọi là phanh/hãm lưỡi) căng hoặc ngắn hơn bình thường làm hạn chế tầm vận động của lưỡi.
Tỷ lệ chính xác của dính phanh lưỡi dao động từ 0,1% – 10%, tập trung vào khoảng 3,5% – 5%, tùy thuộc vào tiêu chí được sử dụng để chẩn đoán dính phanh lưỡi. Tỷ lệ này cao ở nam giới theo tỷ lệ 1:1.1-3:1.
Nguyên nhân
– Lưỡi và sàn miệng kết dính với nhau khi phôi thai đang phát triển trong bụng mẹ. Theo thời gian, các mô liên kết ở đường giữa thoái hoá qua quá trình tự đào thải/mất đi trong giai đoạn phát triển để lưỡi có thể tách khỏi sàn miệng.
– Khi trẻ sơ sinh lớn lên, lưỡi thường mỏng đi và co lại. Ở những trẻ bị dính phanh lưỡi, mô không tự đào thải do bẩm sinh hoặc đột biến ở vùng miệng, dây phanh lưỡi vẫn dày và tồn tại mô dưỡi lưỡi gây khó khăn cho việc cử động lưỡi.
Vai trò, tầm quan trọng của phát hiện sớm và can thiệp sớm dính phanh lưỡi
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, các trường hợp dính phanh lưỡi từ trung bình đến nặng có thể gây ra cho trẻ:
– Các vấn đề về bú nuốt và ăn uống trong thời gian dài, gây kém tăng cân hoặc suy dinh dưỡng.
– Có vấn đề về lời nói, từ đó ảnh hưởng đến vấn đề học tập ở trường.
– Ảnh hưởng đến sự phát triển của khuôn mặt (khung hàm trên).
– Vòm họng phát triển bất thường: cao và hẹp hơn; và là hệ quả của việc thở bằng miệng.
– Vệ sinh răng miệng kém.
– Khó ăn một số loại thực phẩm.
– Nguy cơ về viêm tai giữa tái diễn do thay đổi cấu trúc lâu ngày vùng miệng mặt.
Phát hiện sớm trẻ dính phanh lưỡi
– Khi bà mẹ cho con bú, có thể nhận thấy con mình:
+ Tạo ra tiếng lách cách khi bú;
+ Nhanh chóng mệt mỏi trong khi bú;
+ Tăng cân ít hoặc không tăng.
– Nếu là một bà mẹ đang cho con bú, họ có thể nhận thấy:
+ Đau núm vú khi cho con bú;
+ Núm vú có vẻ bị chèn ép hoặc nhăn nheo khi bé rời khỏi vú mẹ;
+ Tắc nghẽn ống dẫn sữa hoặc viêm vú.
– Nếu bà mẹ đang cho con bú bình, họ có thể nhận thấy con mình:
+ Nuốt nhiều không khí;
+ Nhanh chóng mệt mỏi trong khi cho bú sữa bình;
+ Có chảy nước và rỉ sữa từ xung quanh miệng của trẻ.
– Các dấu hiệu quan sát trực tiếp lưỡi bao gồm:
+ Một phần phanh lưỡi dày ngắn có thể nhìn thấy dưới lưỡi của trẻ;
+ Không thể thè lưỡi ra khỏi môi khi miệng đang mở;
+ Không thể đưa lưỡi lên phía vòm miệng;
+ Trẻ gặp khó khăn khi di chuyển lưỡi sang hai bên;
+ Đầu lưỡi ‘hình chữ V’ hoặc ‘hình trái tim’;
+ Đầu lưỡi dẹt hoặc vuông;
+ Phát âm sai (nói ngọng), đặc biệt là các âm sử dụng đầu lưỡi như: r, l, t, đ…
Chẩn đoán dính phanh lưỡi
– Chẩn đoán theo phân loại của Kotlow dành cho trẻ từ 18 tháng – 14 tuổi.
Đo chiều dài lưỡi tự do bằng cách đo chiều dài của bề mặt bụng lưỡi (trong khi duỗi hết tầm độ) từ phần dính phanh lưỡi và sàn miệng đến đầu lưỡi. (Kotlow 1999).
– Chiều dài tự do của lưỡi bình thường ít nhất là 16mm.
– Dính phanh lưỡi có thể được phân thành 4 loại dựa trên đánh giá của Kotlow như sau:
+ Loại I: Dính nhẹ: 12 – 16 mm
+ Loại II: Dính trung bình: 8 – 11 mm
+ Loại III: Dính nặng: 3 – 7 mm
+ Loại IV: Dính toàn bộ: Dưới 3 mm
Can thiệp dính phanh lưỡi
Nguyên tắc:
– Can thiệp phẫu thuật càng sớm càng tốt đối với những trường hợp có vấn đề về bú mẹ.
– Cần thiết kế và thực hiện một chương trình trước khi tiền phẫu để trẻ và gia đình thích nghi với việc điều trị bằng vận động lưỡi và miệng trước khi phẫu thuật. Thực hiện đúng cách trước khi phẫu thuật và ngay sau khi phẫu thuật có thể giảm nguy cơ tái phát và sẹo.
– Thiết kế và thực hiện một chương trình hậu phẫu để phục hồi chức năng thần kinh cơ của miệng cho trẻ bú và nói sau khi phẫu thuật.
Các kỹ thuật can thiệp: Lựa chọn can thiệp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của dính phanh lưỡi.
– Đối với mức độ dính nhẹ và trung bình, chức năng của lưỡi có số điểm tốt, các phương thức trị liệu dưới đây sẽ được lựa chọn bao gồm:
+ Các can thiệp khi cho con bú;
+ Vật lý trị liệu và vận động cơ vùng miệng;
+ Liệu pháp cơ vùng mặt miệng;
+ Chỉnh âm nếu trẻ có thêm vấn đề về rối loạn âm lời nói.
– Phẫu thuật cắt phanh lưỡi: Chỉ định cắt phanh lưỡi khi trẻ được chẩn đoán là chức năng của lưỡi có điểm số thấp và đi kèm các vấn đề dưới đây:
+ Khó khăn trong việc bú mẹ;
+ Trở ngại phát âm trầm trọng;
+ Khó vệ sinh răng miệng;
+ Khó ăn uống;
+ Ngáy và ngưng thở khi ngủ;
+ Mong muốn cá nhân của trẻ/mong muốn của bố mẹ;
+ Có vấn đề với việc sử dụng lưỡi để liếm.
Thông thường, phẫu thuật cắt phanh lưỡi có thể được chỉ định cho những trường hợp dính lưỡi mức độ II, III hoặc IV theo phân độ của Kotlow.
+ Mức độ II: Nếu phần phanh lưỡi dài 8 – 11mm và gây khó khăn, ảnh hưởng đến chức năng nói, ăn uống hoặc hít thở, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật cắt phanh lưỡi để cải thiện các vấn đề này.
+ Mức độ III, IV: Tình trạng dính phanh lưỡi từ trung bình đến nặng nên được chỉ định phẫu thuật để tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
– Sau phẫu thuật cần tiếp tục đến đơn vị Ngôn ngữ trị liệu để tiếp tục thực hiện các liệu pháp cơ vùng miệng và trị liệu lời nói nhằm:
+ Phát triển các chuyển động cơ mới;
+ Nâng cao nhận thức và tầm vận động mà lưỡi và môi có thể thực hiện;
+ Hướng dẫn trẻ các cử động của lưỡi liên quan đến việc làm sạch khoang miệng;
+ Điều chỉnh các âm lỗi nếu phát âm có vấn đề.
ThS. Vũ Thị Ly – Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội