Hotline: +84 0777. 943. 888

Phát huy tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, phấn đấu lập nhiều thành tích góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

02/11/2024 15:25

Xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Xuyên suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

c1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch Hội Giám đốc chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam Nguyễn Hồng Quân tại cuộc làm việc ngày 27/11/2023

Chăm sóc sức khỏe Nhân dân là mục tiêu, động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước

Ngay từ những ngày đầu lập nước, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài “Sức khỏe và Thể dục” đăng trên báo Cứu Quốc, Người viết: “Luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước…”. Người là tấm gương rèn luyện sức khỏe và kêu gọi mọi người già trẻ, gái trai cùng tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào tập luyện thể dục mỗi ngày. Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, gây dựng đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người coi sức khỏe của mỗi người dân sẽ tạo thành sức khỏe của cả dân tộc: “Mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt; mỗi người dân khỏe mạnh tức là cả nước mạnh khỏe,… dân cường thì quốc thịnh”.

Quán triệt tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị khẳng định: “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là trực tiếp bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước”. Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, khẳng định: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định chăm sóc sức khỏe Nhân dân là “một trong ba đột phá chiến lược quan trọng”, là “trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, và yêu cầu “Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Thống nhất nhận thức, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng”.

Trải qua 15 năm không ngừng phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương, đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia mạnh mẽ của cộng đồng xã hội, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, phát triển hệ thống tổ chức rộng khắp trong cả nước và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng tự hào.

Hệ thống tổ chức Hội phát triển lớn mạnh, rộng khắp

Đến nay, Hội đã tổ chức thành công ba kỳ đại hội, đã đề ra được những phương hướng, nhiệm vụ quan trọng, giúp cho hoạt động của Hội thời gian qua phát triển đúng hướng, mang tầm nhìn dài hạn; đã bầu ra những tập thể Ban Chấp hành Trung ương Hội, bao gồm những người tự nguyện, trách nhiệm với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trong đó, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ có chuyên môn cao về y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và nhiều cán bộ cấp cao các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Hội đã xây dựng được hệ thống tổ chức rộng lớn, tập hợp trong đội ngũ của mình 386 hội viên tập thể và trên 1 triệu hội viên cá nhân. Hội đã thành lập cơ quan Văn phòng Trung ương giúp việc, với 10 ban chuyên môn – nghiệp vụ, Hội đồng khoa học. Hội có cơ quan ngôn luận là Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, có hệ thống các cơ quan nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, gồm 9 viện, 19 trung tâm; đã mở 4 văn phòng đại diện tại các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bình Dương. Hội còn hỗ trợ, giúp đỡ, để 8 tỉnh thành lập được Hội cấp tỉnh, hàng chục Hội cấp huyện và kết nạp hàng nghìn chi hội, liên chi hội dưỡng sinh tâm thể, câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; kết nạp hàng chục thành viên là các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, các doanh nghiệp, đơn vị có tâm huyết với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Tập hợp, vận động các dòng họ phát huy truyền thống đồng tâm hiệp lực nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước… Đây là những lực lượng nòng cốt đi đầu, với mô hình tổ chức, nội dung hoạt động đa dạng, thiết thực. Hội đã vận động, lôi cuốn hàng chục triệu lượt người thường xuyên tham gia vào các phong trào giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các địa phương, cơ sở.

Hoạt động của Hội được triển khai toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Công tác truyền thông được triển khai mạnh mẽ, với nhiều hình thức và nội dung phong phú, hiệu quả, như phối hợp tổ chức các buổi truyền thông tư vấn, hội thảo phổ biến kiến thức về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe; về chế độ dinh dưỡng; vệ sinh an toàn thực phẩm; sức khỏe môi trường, sức khỏe dân số (sức khỏe nòi giống); tuyên truyền phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phòng chữa bệnh nền, tổ chức tầm soát sức khỏe; hướng dẫn điều trị bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền dân tộc, giúp người dân và gia đình có thể tự chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, chữa trị ốm đau, bệnh tật… Đặc biệt là tổ chức các các hoạt động cộng đồng tập thể dục dưỡng sinh (Dưỡng sinh Kinh lạc, dưỡng sinh tâm thể, dịch cốt trụ, Thái cực quyền, thiền, Yoga, võ thuật…), tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể dục thể thao quần chúng, như “Ngày hội sức khỏe cộng đồng”, “Hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, “Duyên dáng nắng chiều”, “Giải bóng chuyền hơi” cho các đối tượng trung cao tuổi, tại nhiều địa phương, nhân những ngày kỷ niệm của đất nước, có sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn hội viên mỗi sự kiện.

c2

Hội đã tích cực tham gia phát triển “mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại cơ sở”, trong đó, chú trọng hoạt động chăm sóc sức khỏe chủ động, chăm sóc sức khỏe ban đầu; nghiên cứu phát huy tiềm năng, lợi thế của y học cổ truyền, tìm hiểu nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào nhiều lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thông qua Báo Sức Khỏe Cộng Đồng (nay là Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng) – Cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội và các phương tiện thông tin đại chúng, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập hợp, luôi cuốn, cổ vũ động viên quần chúng gia nhập tổ chức, thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến đông đảo hội viên và công chúng.

Hội là tổ chức đột phá trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu và đang áp dụng thành công mô hình giáo dục sớm trẻ em từ trong thai và từ 0 đến 6 tuổi tại nhiều tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao nhận thức cho xã hội, đồng thời đề xuất xây dựng, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục sớm trẻ em.

Phát huy thế mạnh về trí tuệ, kinh nghiệm của các nhà khoa học, Hội đã phối hợp triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, đề án, dự án, trong đó nổi bật là: Dự án truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; Dự án sữa cho bà mẹ mới sinh con, Dự án phòng chống tác hại của thuốc lá, Dự án câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng… Tổ chức biên soạn, xuất bản hàng chục đầu sách, tài liệu tư vấn, hướng dẫn người dân chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tham gia góp ý kiến thiết thực về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, giáo dục, sức khỏe môi trường, sức khỏe nòi giống.

Hội còn chủ động thực hiện và phối hợp với các đơn vị thành viên, hội viên, các tổ chức, đơn vị hảo tâm triển khai các đợt vận động, quyên góp từ thiện, để giúp đỡ đồng bào, chiến sỹ tuyến đầu trong đại dịch COVID-19, giúp người dân các vùng bị thiên tai, bão lũ, vùng sâu, vùng xa, như tri ân những người có công với nước, gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Xây dựng cầu dân sinh qua sông, suối, kênh rạch; tặng quần áo, chăn màn, sách vở, phương tiện cứu thương vận chuyển nhân đạo người bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, bếp ăn từ thiện; tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, xóa đói giảm nghèo… với trị giá hàng chục tỷ đồng.

Những kết quả hoạt động của Hội và các hội viên đạt được trong 15 năm qua, đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về trách nhiệm chủ động tự chăm sóc sức khỏe, giúp giảm gánh nặng chi phí về khám, điều trị bệnh cho người dân và xã hội, giảm tải cho các bệnh viện. Thành tích đạt được của Hội từ khi thành lập đến nay là rất đáng tự hào, mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc và đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao.

Kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc sức khỏe Nhân dân, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, và Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 mới đây của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới”, Trung ương Hội kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, các tổ chức thành viên của Hội, phát huy kết quả đạt được, nêu cao nhiệt tình, trí tuệ và trách nhiệm đối với sức khỏe Nhân dân, nòi giống dân tộc, hãy đồng tâm hiệp lực phấn đấu đưa Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam không ngừng phát triển, đạt được nhiều thắng lợi mới, toàn diện, to lớn hơn nữa trong nhiệm kỳ III (2021-2026) và những năm tiếp theo, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc với Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

Sau 15 năm thành lập, với tinh thần tự nguyện, tâm huyết và trách nhiệm, Hội đã thực hiện được nhiều việc: thành lập được một số đơn vị trực thuộc, các điểm chăm sóc sức khỏe, các liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe ở 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho thấy sức hấp dẫn, khả năng thu hút và đã tạo được sự tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động Hội.

Hội huy động được nhiều lực lượng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các dòng họ cùng tham gia công tác y tế, giáo dục; triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học về giáo dục sớm trẻ em từ 0 đến 6 tuổi; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc sức khỏe.

Hội đã tham gia ý kiến về việc triển khai Nghị quyết của Đảng về giáo dục, y tế. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Hội từ khi thành lập đến nay.

Phương hướng hoạt động của Hội trong những năm tới góp phần thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giáo dục, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ phối hợp, tạo điều kiện để Hội tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và Điều lệ của Hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm và mong muốn Hội trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có nhiều đóng góp hơn nữa đối với công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tạo điều kiện để Hội triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học về giáo dục sớm trẻ em từ 0 đến 6 tuổi

Về các kiến nghị của Hội, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xem xét tạo điều kiện để Hội tiếp tục phát triển và tham gia vào các Chương trình, Đề án phù hợp chức năng, thế mạnh của Hội; triển khai các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại địa phương.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Hội tiến hành sơ kết chương trình phối hợp giữa Bộ với Hội, đề xuất các giải pháp phối hợp trong thời gian tới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để Hội triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học về giáo dục sớm trẻ em từ 0 đến 6 tuổi; tham gia ý kiến trong việc bảo đảm nhân lực y tế học đường.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn, đề xuất Hội tham gia thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết với Hội Chương trình hợp tác về sức khỏe môi trường, góp phần chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn Hội hoàn thiện hồ sơ đề nghị các hình thức khen thưởng phù hợp đối với Hội và các tổ chức, cá nhân trực thuộc Hội theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

  Nguyền Hồng Quân

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội GDCSSKCĐ Việt Nam

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888