Tăng cường giám sát, điều trị, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại khu vực phía Nam
Chiều 2/10, Viện Pasteur TP. HCM đã tổ chức họp trực tuyến “Tăng cường giám sát, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ tại khu vực phía Nam”. Tham dự có đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Sản Nhi, bệnh viện Đa khoa 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Chiều 2/10, Viện Pasteur TP. HCM đã tổ chức họp trực tuyến “Tăng cường giám sát, điều trị, phòng chống nhiễm khuẩn bệnh đậu mùa khỉ tại khu vực phía Nam”. Tham dự có đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, bệnh viện Da Liễu, bệnh viện Sản Nhi, bệnh viện Đa khoa 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã được chia sẻ thông tin về tình hình các ca bệnh đậu mùa khỉ mới xuất hiện gần đây; cách phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và một số bệnh da liễu khác; cách tiếp cận chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ; công tác điều tra truy vết các ca bệnh đậu mùa khỉ. Đại diện các tỉnh, thành có ca bệnh hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp điều tra, giám sát, phòng chống đậu mùa khỉ.
Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 5 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong đó, TP. HCM có 4 ca và Bình Dương có 1 ca. Riêng tại Đồng Nai, ngay sau khi có thông tin về ca bệnh L.V.T tạm trú tại TP. HCM nhưng có địa chỉ thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, theo dõi y tế 4 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Đến nay, đã quá 21 ngày theo dõi và chưa phát hiện biểu hiện liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng – Viện phó Viện Pasteur TP. HCM nhấn mạnh, trước diễn biến các ca đậu mùa khỉ xuất hiện gần đây, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, truy vết, điều trị, phòng chống lây lan dịch bệnh. Các cơ sở khám bệnh, nhất là bệnh viện Da Liễu và các trung tâm HIV cần đưa đậu mùa khỉ vào danh sách nghiên cứu, chẩn đoán khi khám các bệnh da liễu và các bệnh lây lan quan đường tình dục, tránh nhầm lẫn với bệnh khác dẫn đến bỏ sót ca bệnh.
Ngành Y tế các tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông để người dân nắm được các dấu hiệu và khả năng lây lan của dịch bệnh, nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Với các địa phương chưa phát hiện ca bệnh, không có nghĩa là sẽ không có ca mắc, mà rất có thể đã có ca lây lan trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện. Vì vậy, cần chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh, sàng lọc các yếu tố nguy cơ để kịp thời phát hiện và xử lý khi có ca mắc.
Nguyễn Dũng