Hotline: +84 0777. 943. 888

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Báo chí cách mạng Việt Nam

02/11/2024 15:30

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Người đánh giá cao tầm quan trọng của Báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Sinh thời, Người đánh giá cao tầm quan trọng của Báo chí cách mạng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Đầu thế kỷ XX, chứng kiến cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam, khi các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược lần lượt thất bại, ngày 05/6/1911, với tên gọi Nguyễn Văn Ba, Người đã lên tầu sang phương Tây tìm đường cứu nước. Trong hành trình cứu nước và hoạt động cách mạng của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã nhận thức được tầm quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Từ nhận thức đó, sau khi quay trở lại Pháp năm 1917, Người đã học làm báo, viết báo, sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria – 1922) với mục đích ban đầu tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, giác ngộ, tuyên truyền lý luận cách mạng.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Các Nhà Báo, Phóng Viên
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo, phóng viên

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập 9 tờ báo (Báo Người cùng khổ – 1922; Quốc tế Nông dân – 1924; Thanh niên – 1925; Công nông – 1925; Lính kách mệnh – 1925; Thân ái – 1928; Tạp chí Đỏ – 1929; Việt Nam độc lập – 1941; Cứu quốc – 1942). Đồng thời, tham gia viết hơn 2.000 bài báo, sử dụng 150 bút danh, đăng trên hàng trăm tờ báo, tạp chí ở trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau (như Việt, Pháp, Anh, Nga, Trung, Thái Lan,…). Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, người thầy vĩ đại với một hệ thống quan điểm lý luận về xây dựng nền Báo chí cách mạng Việt Nam.

Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tầm quan trọng của báo chí, coi báo chí là một thành tố không thể thiếu trong sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén, động lực thúc đẩy cách mạng phát triển không ngừng. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, báo chí là một động lực quan trọng, đội ngũ phóng viên chính là những chiến sỹ, ngòi bút của họ chính là những vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Thông qua ngòi bút của mình, các nhà báo, tố cáo tội ác và cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc thực dân, đồng thời tuyên truyền về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè trên thế giới đối với cuộc kháng chiến. Người chỉ rõ, báo chí chỉ có một nhiệm vụ xuyên suốt, đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”1

Trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, Báo chí góp phần to lớn vào việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phản ánh hiện thực đời sống xã hội, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Đồng thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần to lớn nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy quan hệ ngoại giao không ngừng phát triển… Báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước: “Báo chí của ta thì cần phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”2 .

Để báo chí luôn phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng nói chung, Người yêu cầu mỗi tờ báo phải luôn đổi mới, tổ chức một cách hợp lý để tiết kiệm, chống lãng phí tiền của của Nhà nước và Nhân dân, nhưng hiệu quả, thiết thực: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”3. Người yêu cầu, khi đặt bút viết, người viết cần phải điều tra kỹ lưỡng để khen – phê sao cho đúng sự thật, đảm bảo tính khách quan và coi đó là một nhiệm vụ vẻ vang trong sự nghiệp cách mạng: “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”4 .

Về mục tiêu của Báo chí cách mạng Việt Nam

Suốt cuộc đời hoạt động, lãnh đạo cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một ham muốn tột bậc, đó là: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây cũng chính là mục tiêu của cách mạng Việt Nam, là mơ ước, nguyện vọng của nhân dân, của dân tộc. Sự ra đời, phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam cũng nhằm phục vụ mục tiêu đó, “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”5.

Trong thời chiến, báo chí phục vụ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc. Trong thời bình, báo chí góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời đóng góp tích cực vào nền hòa bình thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” luôn là đề tài xuyên suốt, là nguồn cảm hứng vô tận của báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Các Nhà Báo, Phóng Viên 2
Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà báo, người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam

Về xây dựng đội ngũ người làm báo

Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người xây dựng, rèn luyện Báo chí cách mạng Việt Nam, rèn luyện đạo đức người làm báo. Theo Người, làm báo chính là làm cách mạng, người làm báo là người làm cách mạng với một mục đích duy nhất là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ngòi bút của người làm báo chính là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, góp phần đem lại cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc cho nhân dân. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”6.

Người chỉ rõ,  nhà báo trước khi đặt bút viết cần phải suy nghĩ xem: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết về cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào? Viết rồi phải làm thế nào?7 Những thông tin phản ánh phải đảm bảo tính chân thực, tính thời sự, phải góp phần vào sự phát triển của cách mạng, vào “sự nghiệp phò chính, trừ tà”, đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Theo Người, người làm báo phải là người có đạo đức cách mạng và luôn đặt đạo đức cách mạng lên hàng đầu: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động…”8.

Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ người làm báo đối với sự nghiệp cách mạng, cho nên dù bận “trăm công nghìn việc”, trong bộn bề khó khăn của cách mạng, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo, trong thời chiến cũng như trong thời bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, năm 1949, Người đã chủ trương mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng – lớp viết báo đầu tiên của Việt Nam, đồng thời nhiều lần viết thư gửi cho lớp học nhắc nhở các học viên phải luôn chăm chỉ học tập, nghiên cứu tài liệu, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức người làm báo. Người nhắc nhở, phải xác định đúng mục đích, tôn chỉ, đối tượng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức… của một tờ báo cần phải có.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước yêu cầu của tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà báo nhằm tiếp tục phát huy vai trò của họ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất đất nước.

Người làm báo phải luôn có ý thức không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải giám chịu trách nhiệm trước những bài viết của mình, vượt khó đi lên, thường xuyên học tập, trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức cách mạng. “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”9.  Khi đặt bút viết, cần phải tôn trọng sự thật, phải trung thực khách quan, không bịa đặt, thêm bớt: “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại… Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”10. Đồng thời luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, thường xuyên tự kiểm điểm, sửa chữa để các bài viết ngày càng hoàn thiện phục vụ tốt nhất cho cách mạng và nhân dân như Bác từng nói: Thật thà tự phê bình và thành khẩn tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm của mình. Vì vậy, chẳng những chúng ta phải thực hiện mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong cơ quan chính quyền, mà chúng ta và đội ngũ những người làm báo cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết.

Trải qua 98 năm xây dựng và trưởng thành của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí và đội ngũ người làm báo luôn thực hiện tốt những nội dung chuẩn mực đạo đức nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Báo chí và đội ngũ các nhà báo, phóng viên đã thực sự trở thành cầu nối không thể thiếu giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân, đồng thời phản ánh những kiến nghị của nhân dân lên các cơ quan nhà nước. Nhờ vậy, những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước có thể điều chỉnh bổ sung kịp thời phục vụ và đem lại lợi ích cho nhân dân, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước. Việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức phong cách báo chí Hồ Chí Minh nói riêng đối với đội ngũ người làm báo luôn mang tính thời sự sâu sắc.

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.171.
  2. Sđđ, tập 12, tr.166
  3. Sđđ, tập 11, tr.363
  4. Sđđ, tập 7, tr. 405.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.166.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr.131.
  7. Sđđ, tập 7, 117-120.
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13 Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.466.
  9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.5- -52.
  10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập Nxb CTQG, Hà Nội 2005, tr.118.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888