Tuyên ngôn độc lập 1945 và giá trị lịch sử mang tính thời đại
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có giá trị về tư tưởng, chính trị, pháp lý và văn hóa, là một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có giá trị về tư tưởng, chính trị, pháp lý và văn hóa, là một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước Cộng hòa đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn ngắn gọn, súc tích, chứa đựng những nội dung bất hủ, có giá trị lịch sử và mang tính thời đại sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” ngày 02/9/1945. (Ảnh: Tư liệu)
Với 1.120 từ, 49 câu, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử có giá trị về tư tưởng, chính trị, pháp lý và văn hóa. Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm chính luận có giá trị về ngôn ngữ và văn học như một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập là sự kết tinh ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam suốt hàng nghìn năm lịch sử; sự kết tinh tinh hoa của các bản Tuyên ngôn độc lập tiến bộ trên thế giới, kế thừa và phát triển những giá trị tiến bộ của nhân loại. Giá trị và ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 được thể hiện ở những điểm cơ bản sau đây:
Đề cao những giá trị về quyền con người và các quyền dân tộc cơ bản.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, năm 1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị Vecxay Bản yêu sách 8 điểm, đòi những quyền cơ bản cho nhân dân An Nam. Người đã nhận thức được việc đảm bảo trước tiên về quyền con người sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đòi quyền lợi cho dân tộc, quốc gia. Những quyền cơ bản ấy tiếp tục được đề cập đến trong bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn khẳng định những “quyền bất khả xâm phạm” của con người trong hai bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền – Dân quyền của nước Pháp 1791. Đó là những quyền tự nhiên mà bất kỳ con người nào khi sinh ra dù ở đâu, khi nào đều được hưởng. Đó là quyền sống, quyền tự do, bình đẳng … “Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ”1.
Từ việc khẳng định các quyền về chính trị của con người thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, Hồ Chí Minh đã viện dẫn thêm những khẳng định có tính chân lý về quyền con người trong Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”2.
Trên cơ sở thừa nhận các quyền cơ bản của con người được trích dẫn trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “phát triển” thành quyền của các dân tộc trên thế giới. Người khẳng định, đó cũng là những quyền “tự nhiên” mà “không ai có thể chối cãi được”. “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”3.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, hoạt động và lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã nhận thức được mối quan hệ biện chứng giữa quyền dân tộc với quyền con người. Các quyền dân tộc cơ bản như: Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ …, Các quyền cơ bản của con người: quyền được sống, quyền tự do, bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc… Những quyền này phải được tôn trọng và đảm bảo trên thực tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ…phải gắn liền với tự do ấm no, hạnh phúc của nhân dân: “Nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”4. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập tự do đã trở thành chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”5.
Tố cáo những tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
Bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Nguồn ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh)
Từ việc khẳng định những quyền tự nhiên của con người và các dân tộc trên thế giới, Tuyên ngôn độc lập đã tố cáo những tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam. Những tội ác đó đã vi phạm nghiêm trọng những nội dung trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp.
“Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho Nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào … Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu …Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”6.
Chính sách bóc lột, đàn áp của thực dân Pháp thể hiện sự tàn ác, phản động của chủ nghĩa đế quốc thực dân đối với các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Lúc này con đường duy nhất để thoát khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc thực dân chỉ có thể là vùng dậy đấu tranh lật đổ ách áp bức bóc lột, giành chính quyền về tay Nhân dân bằng chính sức lực của dân tộc mình, trên cơ sở tranh thủ sự ủng hộ và tinh thần đoàn kết quốc tế.
Trên cơ sở trích dẫn những tư tưởng tiến bộ trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và nước Pháp, thông qua việc lên án những tội ác của chủ nghĩa đế quốc thực dân, Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới đang chìm đắm trong “đêm trường nô lệ” vùng dậy đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, giành lại những quyền cơ bản của dân tộc mình. Đồng thời, báo hiệu một thời đại mới – thời đại các dân tộc thuộc địa vùng dậy đấu tranh lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc thực dân, giải phóng dân tộc giành độc lập và các quyền dân tộc cơ bản.
Khẳng định tinh thần đoàn kết, quật cường, quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tuyên ngôn đã chỉ rõ sự nhu nhược của chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương trước sự xâm lược của phát xít Nhật. Đồng thời khẳng định nhờ tinh thần đoàn kết đồng lòng, sự nhanh nhạy kịp thời của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc “chớp” thời cơ cách mạng nhanh chóng giành chính quyền về tay Nhân dân. Để có được thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân tộc ta phải hy sinh biết bao xương máu, chịu kiếp nô lệ xiềng xích hàng thế kỷ. Tuyên ngôn Độc lập đã chỉ rõ một hiện thực lịch sử là thực dân Pháp đã hai lần đầu hàng phát xít Nhật và Nhân dân ta giành chính quyền từ tay phát xít Nhật: “Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa… Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”7.
Đồng thời tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam thoát ly mọi quan hệ với Pháp, xóa bỏ tất cả các hiệp ước đã ký với Pháp trước đó. Đồng thời đưa ra cảnh báo với thực dân Pháp nếu họ có ý đồ nào với Việt Nam: “Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp … Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”8.
Như vậy, từ ngày 02/9/1945, đất nước ta đã giành được độc lập, Nhân dân ta đã được hưởng những quyền lợi do cách mạng đem lại. Một chế độ mới đã hình thành hứa hẹn đảm bảo vững chắc nền độc lập dân tộc, tự do ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Vì vậy, việc bảo vệ những thành quả mà cách mạng đã giành được là vấn đề cấp thiết.
Khẳng định cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc đối với nền độc lập mà dân tộc Việt Nam vừa mới giành được và quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc
Từ việc khẳng định hiện thực lịch sử, Tuyên ngôn Độc lập đã đưa ra cơ sở pháp lý đối với nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Cơ sở pháp lý được Hồ Chí Minh đưa ra dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế và những tuyên bố chung trong các Hội nghị Quốc tế với niềm tin mãnh liệt: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”9.
Đồng thời, khẳng định một dân tộc nhiều năm đứng về phe đồng minh chống phát xít, giành chính quyền từ tay phát xít thì dân tộc đó tất yếu phải được độc lập và quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”10.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là kết quả của cuộc đấu tranh gian khổ 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của toàn thể đồng bào trong suốt gần một thế kỷ với biết bao xương máu, mồ hôi và nước mắt. Đó cũng là kết quả của cuộc hành trình đầy gian khổ suốt 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và 5 năm vận dụng lý luận cách mạng vào thực tiễn, trực tiếp lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 79 năm trôi qua (1945 – 2024), nhưng những nội dung trong bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Những nội dung cơ bản trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người và quyền dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tài liệu tham khảo:
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 9
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 9
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 9
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 64
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 12 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 112
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 9-10
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 11
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 11
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 11
- Hồ Chí Minh: toàn tập, tập 4 Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tr. 12
Văn Chương