Ung thư đại tràng ở người trẻ do đâu mà thành
Chế độ ăn uống kém lành mạnh và lối sống ít vận động là lý do khiến tỷ lệ ung thư đại tràng tăng ở người trẻ, theo nghiên cứu mới công bố.
Nghiên cứu công bố ngày 15/12 trên tạp chí Lancet Oncology cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng khởi phát sớm đang gia tăng ở các khu vực giàu có, công nghiệp hóa cao tại Bắc Mỹ, châu Âu và các nước thu nhập trung bình trên toàn thế giới.
"Tình trạng này không chỉ giới hạn ở các nước phương Tây có thu nhập cao. Nó lan rộng đến những khu vực mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây, như Nam Mỹ và châu Á", Hyuna Sung, tác giả chính của nghiên cứu, nói.
Trong giai đoạn 5 năm, từ 2013 đến 2017, tỷ lệ người trẻ mắc ung thư đại tràng tại 27 quốc gia tăng cao, cụ thể là Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, Chile, Mỹ,... Tuy nhiên, xu hướng không đồng đều. Một số nước như Italy, Tây Ban Nha và Latvia, tỷ lệ không đổi. Gần đây, số người ung thư dưới 50 tuổi tăng mạnh ở Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nghiên cứu độc lập của Ganesh Halade, phó giáo sư tại Viện Tim mạch USF, chỉ ra nguyên nhân tiềm ẩn có thể khiến số người mắc ung thư đại tràng tăng lên. Các chuyên gia đã xác định mối liên hệ của căn bệnh và chế độ ăn giàu thực phẩm siêu chế biến. Halade cho biết những thực phẩm này có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm và gây suy yếu hệ miễn dịch.
"Xu hướng bệnh tật hiện nay rất rõ ràng. Chúng ta cần xem xét lại chế độ ăn uống, giấc ngủ và tập thể dục của mình", ông nói.
Thức ăn nhanh là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng ở người trẻ
Nghiên cứu chỉ ra rằng khi kinh tế phát triển, số người trẻ mắc ung thư đại tràng cao hơn. "Trẻ em và thanh thiếu niên ở những nước công nghiệp hóa, đô thị hóa cao có chế độ ăn kém lành mạnh, lối sống ít vận động gắn với đặc thù kinh tế", tác giả nghiên cứu viết.
Các thói quen như ngồi làm việc cả ngày, ăn nhiều thức ăn nhanh có thể góp phần khiến nguy cơ ung thư gia tăng. Để khắc phục, Halade khuyến nghị mọi người ngủ điều độ, vận động nhiều hơn và tiêu thụ thức ăn nấu tại nhà.
Ông cũng nhận định, yếu tố lối sống và môi trường ảnh hưởng đến thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến năm 1980), millennials (sinh từ năm 1980 đến năm 1996) và Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) theo cách khác biệt với baby boomer (sinh từ năm 1946 đến năm 1964).
Nghiên cứu gần đây của Halade cho thấy chế độ ăn uống hiện đại, với nhiều đồ ăn nhẹ đóng gói, khoai tây chiên, đồ uống có đường, thực phẩm chế biến sẵn, ít chất béo lành mạnh và chất dinh dưỡng khiến cơ thể khó kiểm soát viêm nhiễm, gây ung thư.
Tuy nhiên, thực phẩm hoặc chế độ ăn chỉ là một trong nhiều yếu tố làm tăng khả năng mắc ung thư. Yếu tố gây bệnh khác là tiền sử bệnh lý gia đình, sự tương tác giữa gene di truyền và môi trường. Các chuyên gia y tế đang xem xét các yếu tố như ô nhiễm không khí, hạt vi nhựa để tìm hiểu thêm về nguồn cơn khiến ung thư đại tràng ngày càng trẻ hóa.