Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt do vi rút, chủ yếu là các vi rút nhóm đường hô hấp. Cùng với các bệnh truyền nhiễm do vi rút khác như sởi, thuỷ đậu… thì sốt siêu vi cũng là một trong những bệnh có tỷ lệ lây lan nhanh, nhất là trẻ em.
Bác sĩ Đặng Ngọc Minh – phòng khám Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết, biểu hiện của sốt siêu vi là sốt, đau đầu, mỏi người, đau họng… Khi được chẩn đoán sốt do siêu vi bệnh nhân có thể điều trị tại nhà với chế độ chăm sóc tốt và theo dõi sát. Đối với trẻ sốt siêu vi người chăm sóc nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn những thức ăn mềm, lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.
Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm gây viêm họng, viêm niêm mạc miệng, lưỡi. Vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín. Đặc biệt cần theo dõi sát triệu chứng sốt của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt thường xuyên và những biểu hiện trên cơ thể như trẻ mệt nhiều, ngủ li bì nhiều kèm các biểu hiện ho nhiều, khó thở, nôn ói cần cho trẻ đi khám lại. Trẻ sốt cao cần dùng thuốc hạ sốt, bù nước điện giải và vitamin. Sốt cao khiến cơ thể người bệnh suy nhược nhanh chóng, mất nước.
Khi trẻ đang bị sốt không nên mặc nhiều quần áo, ủ chăn giữ ấm hay tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống mà nên để trẻ nằm nghỉ ngơi nơi thoáng mát. Sốt siêu vi thường ủ bệnh từ 1 – 2 ngày, đến khi có sốt thì trong cơ thể người bệnh đã nhiễm vi rút từ trước đó.
Để phòng bệnh sốt siêu vi, nên giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, nơi làm việc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, có lối sống lành mạnh, không thức khuya làm cơ thể dễ nhiễm lạnh, tập luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi, lao động hợp lí. Khi đã bị nhiễm bệnh cần cách ly để hạn chế lây bệnh trong cộng đồng. Trong số những bệnh do vi rút gây nên như sởi, quai bị, viêm não Nhật Bản… đã có vắc xin phòng bệnh, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và tiêm phòng đầy đủ.
Hồng Vân