Hotline: +84 0777. 943. 888

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau cắt u tuyến thượng thận

02/11/2024 15:42

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nằm ở phía trên mỗi quả thận. Tuyến thượng thận có vai trò quan trọng, giúp sản sinh ra các hormone điều hòa huyết áp, kiểm soát lượng đường trong máu, protein, cholesterol trong máu, chống căng thẳng và tham gia vào hoạt động của hệ miễn dịch.

Khối u tuyến thượng thận là khối u ở một hoặc cả hai bên của tuyến thượng thận. Các khối u tuyến thượng thận thường lành tính và rất hiếm khi ác tính (ung thư). Các khối u tuyến thượng thận gây mất cân bằng trong việc điều hòa hormone, từ đó gây ra nhiều tình trạng bệnh lý.

Phẫu thuật khối u tuyến thượng thận là phương pháp điều trị được chỉ định phổ biến nhất cho bệnh nhân có khối u tuyến thượng thận. Khi khối u được cắt bỏ, chức năng nội tiết của tuyến thượng thận sẽ trở lại bình thường, các triệu chứng của bệnh sẽ biến mất. Có hai phương pháp phẫu thuật khối u tuyến thượng thận: phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở. Phẫu thuật nội soi thường được áp dụng trong những trường hợp khối u nhỏ và lành tính, phẫu thuật mở được áp dụng khi khối u có kích thước lớn hoặc khối u là ung thư.

 

Những nguy cơ có thể xảy ra sau cắt khối u thượng thận

– Nguy cơ nhiễm trùng: Cũng như các loại phẫu thuật khác, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận. Bệnh nhân có thể được dùng kháng sinh trước và sau phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra.

– Bệnh nhân sau phẫu thuật khối u tuyến thượng thận có thể sẽ trải qua tình trạng đau với nhiều mức độ khác nhau. Những cơn đau sẽ biến mất theo quá trình hồi phục và có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau cho người bệnh.

– Kiểm soát huyết áp và nồng độ cortisol: Sau phẫu thuật, huyết áp sẽ được theo dõi, bệnh nhân có khối u tiết aldosterone sẽ được kiểm tra nồng độ kali trong máu.

– Bệnh nhân có thể thay đổi về đường huyết, cần sử dụng các loại thuốc và chế độ ăn nhằm ổn định tình trạng đường huyết cho người bệnh.

Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật u tuyến thượng thận

1. Chế độ ăn giúp ổn định huyết áp của người bệnh:

a. Thực phẩm nên dùng:

– Các loại: gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn…, bún, phở.

– Khoai củ và các sản phẩm chế biến.

– Ăn đa dạng các loại thịt cá, tôm, cua, đậu phụ… (đặc biệt là cá: ăn cá ít nhất 3-4 lần /tuần).

– Dầu thực vật (dầu đậu nành ,dầu vừng, dầu lạc).

– Rau xanh, quả chín: ăn đa dạng các loại (đặc biệt rau lá).

b. Thực phẩm hạn chế dùng:

– Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, mỳ tôm, gà rán và khoai tây chiên…, bệnh nhân có thừa cân béo phì hạn chế các loại bánh ngọt.

– Phủ tạng động vật như: tim, gan, bầu dục…, mỡ động vật, bơ…

– Thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, cá muối, giò, chả, patê, dưa muối, cà muối, các loại bánh mặn.

c. Thực phẩm không nên dùng:

– Mỳ chính

– Các chất kích thích: rượu, bia, cà phê, thuốc lá

d. Chế biến thực phẩm:

– Nên chế biến các món ăn nhạt có thể chấp nhận được và giảm dần lượng muối tới mục tiêu 6g muối/ngày.

– Có thể thay thế 1g muối = 1 thìa cà phê nước mắm.

– Không nên sử dụng mỳ chính, bột nêm vào quá trình chế biến món ăn.

2. Chế độ ăn giúp ổn định đường huyết của người bệnh:

a. Thực phẩm nên dùng:

– Các loại: gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn… Nên chọn: gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc…

– Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành..).

– Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo như: thịt nạc, cá nạc, tôm, thịt gà/vịt bỏ da…( nhu cầu: 100-150g/ngày).

– Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng…).

– Ăn đa dạng các loại rau. Nhu cầu mỗi ngày 300-500g rau củ (lưu ý tăng cường các loại rau có hàm lượng chất xơ cao):

+ Thực phẩm chứa từ 1,5 – 2g chất xơ/100g thực phẩm: Cần tây, rau đay, cà tím, cải bắp, su hào, rau bí, củ cải, cải thìa, cải xanh, cải cúc, cải, dọc mùng, đậu đũa, giá đỗ xanh, hoa chuối, măng tây, ngải cứu, đu đủ xanh,…

+ Thực phẩm chứa trên 2g chất xơ/100g thực phẩm: Măng tây, mồng tơi, rau ngót, lá lốt, hoa thiên lý, nấm hương tươi, súp lơ xanh, rau hung, rau kinh giới, măng chua, rau má,…

– Các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình: roi, thanh long, bưởi, ổi, cam, dưa chuột, củ đậu, măng cụt, vú sữa,…

– Chọn loại sữa có chỉ số đường huyết thấp (200 – 400ml/ ngày).

b. Thực phẩm hạn chế dùng:

– Miến dong, bánh mỳ trắng, khoai củ chế biến dưới dạng nướng.

– Phủ tạng động vật như: tim, gan, bầu dục…,

– Mỡ động vật.

– Các loại quả có hàm lượng đường cao: nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm,…

– Các loại quả sấy khô.

c. Thực phẩm không nên dùng:

– Các loại bánh kẹo chứa nhiều đường ngọt, mứt các loại.

– Các loại quả ngọt sấy khô.

– Rượu, bia, nước ngọt,…

– Đồ hộp, thịt hộp, pate, xúc xích.

d. Chế biến thực phẩm:

– Hạn chế các món chiên, rán, nướng.

– Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có lượng đường cao.

– Chế biến thực phẩm dạng luộc, hầm.

– Hạn chế sử dụng các loại nước quả ép, xay sinh tố: nên ăn cả múi, miếng để có chất xơ.

3. Chế độ ăn ổn định Kali cho người bệnh:

a. Thực phẩm giàu Kali cần bổ sung nếu có hạ kali máu:

– Rau: xà lách, cải xoăn, rau bina, cần tây, rau diếp, cải xanh, củ cải đường, bắp cải, măng tây, họ đậu (đậu bắp, đậu Hà Lan), bí ngô, dưa chuột, cà rốt, cà chua, cà pháo, rau bí, rau dền, rau khoai lang, rau muống, đu đủ xanh, lá lốt, rau ngót, súp lơ…

– Củ: sắn, khoai lang, khoai tây, cùi dừa già, lạc, vừng…

– Gia vị: kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi, hành…

– Trái cây: chuối tiêu, chuối tây, mận tươi, mận khô, mít dai, na, nhãn, ổi, sầu riêng, xoài chín, bưởi, cam quýt.

– Thịt: cá chép, bò loại I, gan bò, gan gà, cá thu, cua, ghẹ, mực tươi, sò, tôm đồng, trứng gà, trứng vịt…

b. Thực phẩm chứa lượng Kali thấp cho người tăng Kali máu:

Các loại thực phẩm kali thấp có thể là lựa chọn an toàn cho người bệnh nếu có hàm lượng Kali trong máu cao. Một số thực phẩm ít kali có thể kể đến như: táo, nước ép táo; các loại quả mọng như mâm xôi, dâu tây, việt quất; nho và nước ép nho; dứa và nước ép dứa; dưa hấu; măng tây, súp lơ xanh, cà rốt, cải xoăn, bắp cải, dưa chuột, bí xanh.

ThS.BS Phạm Thị Lan Phương – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888