Hotline: +84 0777. 943. 888

Hội chứng tiêu khối u

31/12/2024 15:32

Hội chứng tiêu khối u (Tumor lysis syndrome) là hậu quả của tình trạng hủy tế bào quá mức, dẫn đến giải phóng đột ngột các ion và các chất chuyển hóa trung gian trong tế bào vào tuần hoàn. Những rối loạn này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tổn thương thận cấp tính, rối loạn nhịp tim và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Hội chứng tiêu khối u thường xảy ra ở những bệnh nhân đang điều trị các bệnh ác tính về huyết học như U lympho, bệnh bạch cầu cấp, đặc biệt sau khi bắt đầu hóa trị. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng có thể xảy ra một cách tự phát. Do hội chứng tiêu khối u có khả năng gây tử vong nghiêm trọng, việc xác định những bệnh nhân có nguy cơ cao và điều trị dự phòng là rất quan trọng.

tieu-khoi-u.png

Biểu hiện của hội chứng tiêu khối u như thế nào?

Lâm sàng: biểu hiện khá đa dạng, bao gồm một loạt các triệu chứng rối loạn điện giải và chuyển hóa các chất như:

- Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn, kích thích thần kinh cơ, kém tập trung, ngứa, xuất huyết dưới da

- Loạn nhịp tim, có thể biểu hiện viêm màng ngoài tim, quá tải tuần hoàn, khó thở

- Cơn Tetani, co rút cơ, co thắt phế quản, co giật, có thể trụy tim

- Đái máu, thiểu niệu hoặc vô niệu

Cận lâm sàng:

- Acid uric tăng 25% so với mức cơ bản hoặc ≥8,0 mg/dl

- Kali tăng 25% so với mức cơ bản hoặc ≥6,0 mEq/L

- Phospho tăng 25% so với mức cơ bản hoặc ≥4,5 mg/dl (≥6,5 mg/dl ở trẻ em)

- Calci giảm 25% so với mức ban đầu hoặc ≤7,0 mg/dl

- Tăng cao creatinine

- Tăng cao nồng độ LDH máu

Người bệnh nào có nguy cơ cao bị hội chứng tiêu khối u:

- Người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao khi khối u có tốc độ tăng sinh tế bào nhanh, khối u nhạy với hóa chất và có có kích thước > 10cm và hoặc số lượng BC > 25G/L, hoặc LDH trước điều trị cao trên 2 lần giới hạn trên của mức bình thường.

- Hội chứng tiêu khối u có thể liên quan đến việc sử dụng steroid, thuốc điều hòa miễn dịch sinh học và kháng thể đơn dòng. Các tác nhân liên quan đến sự phát triển của hội chứng này bao gồm: thalidomide, bortezomib, hydroxyurea, paclitaxel, fludarabine, etoposide, venetoclax, rituximab, obinutuzumab,…

- Những bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng tiêu khối u cao hơn bao gồm những người bị tăng axit uric máu trước khi điều trị, các vấn đề về thận từ trước, thiểu niệu và suy giảm thể tích. Chức năng thận suy giảm làm tăng đáng kể nguy cơ mắc hội chứng ly giải khối u, đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ và quản lý tình trạng dịch và nồng độ acid uric trước và trong quá trình điều trị.

Điều trị:

Để quản lý và điều trị tốt nhất hội chứng tiêu khối u cần theo dõi chặt chẽ và phòng ngừa ngăn không cho nó xảy ra. Mục tiêu chính của dự phòng là đảm bảo đủ lượng nước tiểu và giảm nồng độ acid uric, kali và phosphate trong máu. Khuyến cáo nên theo dõi các giá trị sinh học sau mỗi 4-6 giờ sau khi bắt đầu các biện pháp điều trị đối với bệnh nhân có nguy cơ cao, sau mỗi 8-12 giờ đối với những bệnh nhân có nguy cơ trung bình và hằng ngày đối với bệnh nhân có nguy cơ thấp. 

Hội chứng tiêu khối u là tình trạng đe dọa tính mạng ở những bệnh nhân ung thư, đặc biệt hay gặp ở các bệnh lý huyết học nhưng có thể phòng ngừa và hạn chế được. Việc giáo dục bệnh nhân về các triệu chứng và rủi ro liên quan đến hội chứng tiêu khối u, bao gồm các dấu hiệu sớm như mệt mỏi, buồn nôn, theo dõi số lượng nước tiểu là rất quan trọng để phát hiện sớm và can thiệp. Bệnh nhân và người nhà người bệnh cần hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa này và phối hợp với nhân viên y tế trong việc theo dõi điều trị, giúp làm giảm tỷ lệ mắc cũng như cải thiện các kết quả điều trị chung./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tumor Lysis Syndrome, Adebayo Adeyinka; Anahat Kaur; Khalid Bashir.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học, Bộ Y tế, 2022.

BS Nguyễn Thị Thùy Trang, Khoa Huyết học Lâm sàng, Bệnh viện TWQĐ 108