Những loại thực phẩm cần tránh nếu không muốn nhiễm khuẩn Salmonella
Ngộ độc thực phẩm đang trở thành nỗi lo hàng đầu của mọi người, bởi đây là nguyên nhân gây nhiều bệnh đường tiêu hóa.Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong những năm qua. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Dưới đây là những thực phẩm cần tránh:
Sữa thô
Sữa thô là sữa từ bò, cừu, dê hoặc bất kỳ động vật nào khác chưa được tiệt trùng. Sữa và các sản phẩm từ sữa mang lại nhiều lợi ích dinh dưỡng, song sữa thô lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do chứa các vi khuẩn nguy hiểm, bao gồm Salmonella và E.Coli. Chúng có khả năng gây ngộ độc cao, nhất là với người có hệ miễn dịch yếu như bệnh nhân ghép tạng, mắc HIV/AIDS, ung thư, tiểu đường.
Ảnh minh hoạ
Thịt gà sống
Gà, vịt và các loại gia cầm khác thường mang vi khuẩn Salmonella và Campylobacter. Đây là những loại vi khuẩn sống tự nhiên sống trong ruột của gia cầm, có thể lây truyền qua phân sang lồng, ổ, cây, chuồng, đất…
Để phòng nhiễm khuẩn, người chăm sóc và nuôi gia cầm nên rửa sạch tay sau khi tiếp xúc, chạm vào chúng. Khi chế biến nên nấu chín gà, bảo quản thịt gà ở ngăn dưới cùng trong hộp kín, tránh nước lây lan sang thực phẩm khác.
Ảnh minh hoạ
Rau lá xanh
Salmonella là nguyên nhân chính gây ra các bệnh do thực phẩm, có thể làm ô nhiễm rau sống, nhất là những loại được trồng trong đất. Đất có thể bị ô nhiễm do động vật hoặc chim thải phân ra ngoài.
Salmonella có thể tồn tại trên nhiều loại rau lá xanh. Nước bị ô nhiễm dùng để tưới tiêu hoặc phun thuốc cho rau cũng tiềm ẩn nguy cơ vi khuẩn xâm nhập.
Ảnh minh hoạ
Trứng sống hoặc chưa nấu chín
Trứng tươi, ngay cả những quả có vỏ lành lặn, không nứt, vẫn có thể chứa vi khuẩn Salmonella. Nguy cơ nhiễm khuẩn xảy ra ngay khi gia cầm đẻ tại các trang trại hoặc trong quá trình vận chuyển, lưu trữ.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẫn, mọi người nên mua trứng được tiệt trùng. Với trứng chưa được tiệt trùng, hãy vệ sinh kỹ, lau khô và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Ưu tiên ăn trứng chín kỹ, không dùng loại còn sống và lòng đào.
Ảnh minh hoạ
Thịt chế biến sẵn
Nguồn lây nhiễm chính của Salmonella là các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm như gia cầm, thịt lợn và trứng. Người làm thịt chế biến sẵn, nhất là sử dụng nguyên liệu gia cầm, trứng, vệ sinh tay kém và tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm bệnh góp phần làm lây lan vi khuẩn này.
Ảnh minh hoạ
Các dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm Salmonella thường xuất hiện nhanh chóng, trong vòng 8 -72 giờ sau khi ăn hoặc uống nước bị nhiễm Salmonella. Các triệu chứng điển hình trong giai đoạn cấp tính bao gồm: đau bụng co thắt; ớn lạnh; tiêu chảy; sốt; đau cơ; buồn nôn; nôn; dấu hiệu mất nước (như nước tiểu có màu sẫm, khô miệng và năng lượng thấp); phân có máu. Trẻ em có thể bị mất nước nghiêm trọng chỉ trong 1 ngày và đe dọa đến tính mạng.
Để chẩn đoán nhiễm khuẩn Salmonella, bác sĩ có thể khám thực thể vùng bụng bệnh nhân. Có thể tìm ra dấu hiệu phát ban với các chấm nhỏ màu hồng trên da. Nếu các dấu chấm này đi kèm với sốt cao, có thể cho thấy một hình thức nghiêm trọng của nhiễm khuẩn Salmonella gọi là sốt thương hàn. Bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu hoặc cấy phân tìm sự hiện diện Salmonella trong cơ thể người bệnh.
Cách xử lý đúng
Việc điều trị chính cho ngộ độc thực phẩm do Salmonella là bù đắp đủ các chất lỏng và chất điện phân đã mất do bị tiêu chảy. Nên uống nước hoặc các chất lỏng bổ sung. Thêm vào đó, điều chỉnh chế độ ăn uống cho bệnh nhân với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, nên tránh các sản phẩm từ sữa. Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm độc.
Với những trường hợp bị nôn không ăn uống được, người bệnh có thể được truyền tĩnh mạch. Trẻ nhỏ cũng có thể cần dịch truyền tĩnh mạch.
Thông thường, không dùng kháng sinh và thuốc để ngăn tiêu chảy. Những phương pháp điều trị này có thể kéo dài “giai đoạn mang khuẩn” và sự nhiễm khuẩn. “Giai đoạn mang khuẩn” là khoảng thời gian trong và sau khi nhiễm khuẩn mà có thể lây nhiễm sang người khác. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm các triệu chứng. Trong các trường hợp nặng hoặc đe dọa tính mạng, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh đặc hiệu diệt vi khuẩn Salmonella.
Phòng tránh ngộ độc vi khuẩn Salmonella
Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn Salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...
Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, patê, giò, chả... vì rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Khi đi ăn ở ngoài (ăn quán, cơm bụi, hàng rong, quà vặt, ăn chè, sinh tố... ở các quán cóc ven đường) cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ.