5 dấu hiệu cảnh báo lưu thông máu kém
Hoạt động lưu thông máu trong cơ thể giúp các cơ quan hoạt động, vận chuyển chất dinh dưỡng và hormone, cũng như điều hòa thân nhiệt.
Hoạt động lưu thông máu trong cơ thể giúp các cơ quan hoạt động, vận chuyển chất dinh dưỡng và hormone, cũng như điều hòa thân nhiệt.
Tuy hoạt động này thường suy giảm sau tuổi 40, nhưng nó không phải là một phần của quá trình lão hóa, bởi tuần hoàn máu kém còn có thể do mắc một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh tim và các vấn đề về động mạch. Nếu không được điều trị, lưu thông máu kém dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hình thành cục máu đông, gây loét nhiễm trùng và thậm chí dẫn đến đoạn chi. Để phòng ngừa những nguy cơ sức khỏe đó, mọi người cần để mắt đến những dấu hiệu lưu thông máu kém dưới đây.
Cảm giác ngứa ran, châm chích như “kiến bò” ở tứ chi
Tiến sĩ Chris Tutt, Giám đốc điều hành kiêm chuyên gia vật lý trị liệu tại ProActive (Mỹ) cho biết, cảm giác này xuất hiện là vì lưu lượng máu cần truyền đến tay và chân để cung cấp các dưỡng chất không đáp ứng nhu cầu.
Lạnh tay chân
Ngoài nuôi dưỡng cơ thể, hoạt động tuần hoàn máu hiệu quả còn giúp duy trì thân nhiệt bình thường. Do vậy, tuần hoàn máu kém sẽ dẫn đến tình trạng bàn tay và bàn chân lạnh hơn so với phần còn lại của cơ thể, do không có đủ lượng máu ấm đến tứ chi.
Phù nề
Khi cơ thể không thể lưu thông chất lỏng vào hoặc ra khỏi một khu vực, thì vùng đó dễ bị sưng. Tình trạng sưng ngày càng tăng sẽ gây áp lực lên các mạch máu, khiến lượng chất lỏng từ mạch máu tràn ra các mô xung quanh dẫn đến phù nề, thường xảy ra nhiều nhất ở bàn tay, mắt cá chân và bàn chân.
Đau khớp và chuột rút
Lưu thông máu kém có thể gây đau bàn chân, đôi chân, bắp chân, cánh tay và bàn tay. Mức độ đau ở bắp chân sẽ nặng hơn khi bạn ngồi hoặc đứng trong thời gian dài. Nguyên do là khi lưu thông máu đến các cơ bị suy giảm, các dưỡng chất không thể tiếp cận các tế bào như bình thường và gây ra cảm giác căng cứng và chuột rút.
Da đổi màu
Nếu lượng máu không được cung cấp đầy đủ tới các mô, màu da sẽ trở nên nhợt nhạt hoặc xanh tái. Tình trạng da đổi màu chủ yếu ở bàn tay, ngón chân, mũi và môi.
Dấu hiệu lưu thông máu kém dễ bị bỏ qua
Tiến sĩ Naheed A. Ali thuộc hãng tư vấn thuốc và sức khỏe UAS RX (Mỹ) cho biết, khi các động mạch thu hẹp hoặc tắc nghẽn, máu không thể lưu thông hiệu quả đến khắp cơ thể, hệ quả là gây đau và tổn thương mô. Còn chân, bàn chân và bàn tay có thể bị sưng phù vì các mạch máu bị tổn thương. Lưu thông kém có thể gây ngứa ran hoặc tê ở ngón chân, bàn chân và ngón tay hoặc bàn tay, thậm chí gây sưng ở ngón chân và ngón tay. Do các triệu chứng này thường không nghiêm trọng nên người bệnh và các bác sĩ dễ bỏ qua. Đáng lo là một khi chuyển sang tình trạng nặng hơn, chúng có thể khiến bệnh nhân bị suy tĩnh mạch chi dưới.
Tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục
Theo Tiến sĩ Tutt, việc điều trị tuần hoàn máu kém phải tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Lưu thông máu kém là do ảnh hưởng từ cả lối sống hằng ngày và mắc một số bệnh. Ví dụ, bệnh xơ vữa động mạch và tiểu đường có thể gây ra các vấn đề về tuần hoàn máu và biểu hiện với các triệu chứng nêu trên. Khi đó, thực hiện một số thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc, giảm cân, tập thể dục và ăn uống lành mạnh đều có thể cải thiện và giảm các vấn đề tuần hoàn máu. Mang vớ y khoa cũng giúp giảm tình trạng sưng phù ở chân do tuần hoàn máu kém.
Theo Eat This