Bệnh bạch hầu – phát hiện, chẩn đoán và xử trí cần biết
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, có thể dẫn đến tử vong.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân, có thể dẫn đến tử vong.
Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng. Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.
2 nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu
– Độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào.
– Giả mạc vùng họng bít lấp đường thở.
Phương thức truyền bệnh
Trực khuẩn bạch hầu có dạng hình que, sắp xếp thành đám, 2 đầu của trực khuẩn màu tím, giống hình chùy. Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy cổ họng. Do đó, bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết.
– Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người.
– Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch hoặc dùng lại các vật dụng của người nhiễm bệnh như cốc uống nước, khăn giấy ăn…
Bệnh bạch hầu biểu hiện như thế nào?
– Thời gian ủ bệnh trung bình 3 – 4 ngày, thậm chí là 1 ngày.
– Biểu hiện tại chỗ:
+ Bạch hầu mũi: 1 hay 2 bên lỗ mũi bị bít lấp bởi giả mạc màu trắng hoặc xám lan rộng ra cửa mũi. Mũi chảy dịch lẫn máu. Loét phần cửa mũi 1 hoặc 2 bên. Dịch mũi hôi thối.
+ Họng: Niêm mạc họng đỏ. Hai amidan xung huyết, có giả mạc trắng xám bám chặt, khó bóc, nếu cố bóc sẽ chảy máu.
Nếu giả mạc xuất hiện ở thành sau họng phải lưu ý mở khí quản sớm, vì có thể lan xuống vào vùng thanh quản, gây bít tắc thanh môn nhanh chóng.
+ Hạch ngoại biên nhiều, sưng to và đau.
– Biểu hiện toàn thân:
Biểu hiện tình trạng nhiễm trùng kèm nhiễm độc: Sốt cao, da xanh tái, mạch nhanh rồi trụy mạch.
Hình ảnh nghĩ đến bạch hầu được y văn mô tả lại như sau:
+ Sốt cao, đau họng kèm da xanh tái;
+ Đau đầu;
+ Ho;
+ Hơi thở có mùi thối;
+ Màng giả mạc xám – dính chặt, cố bóc sẽ chảy máu;
+ Loét mũi;
+ Nuốt khó, nuốt đau;
+ Khàn tiếng;
+ Tắc nghẽn thanh quản và đường hô hấp dưới gây khó thở;
+ Dẫn tới viêm cơ tim, viêm cầu thận, liệt các chi.
Chẩn đoán và xử trí
– Thăm khám lâm sàng có các biểu hiện như đã mô tả ở trên.
– Lấy dịch hầu họng soi tươi, nuôi cấy xác định trực khuẩn bạch hầu.
– Tìm độc tố bạch hầu trong máu.
– Xử trí: Cách ly người bệnh, đồng thời khoanh vùng ổ dịch.
Phòng ngừa bệnh bạch hầu
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
– Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, viêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện ĐH Y Hà Nội