Hotline: +84 0777. 943. 888

Bệnh nhân 71 tuổi ngừng tuần hoàn do rối loạn nhịp tim nguy hiểm

02/11/2024 16:20

Vừa trải qua cảm giác sinh tử cận kề, ông Nguyễn Văn Điện (71 tuổi, trú tại Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh) và người thân chưa thể quên được cảnh cả kíp trực với rất nhiều nhân viên y tế căng mình cấp cứu giúp ông thoát khỏi tay tử thần.

Vừa trải qua cảm giác sinh tử cận kề, ông Nguyễn Văn Điện (71 tuổi, trú tại Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh) và người thân chưa thể quên được cảnh cả kíp trực với rất nhiều nhân viên y tế căng mình cấp cứu giúp ông thoát khỏi tay tử thần.

Trước khi nhập viện người bệnh có triệu chứng mệt nhiều, cảm giác khó thở, đặc biệt là khi gắng sức. Với tiền sử suy tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, đã từng can thiệp đặt stent mạch vành, người bệnh nhập viện để điều trị nội khoa bệnh tim thiếu máu cục bộ, rối loạn nhịp, đái tháo đường. Tuy nhiên khi đang trong quá trình điều trị, người bệnh đột ngột tím tái, thở ngáp, mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được. Người bệnh ngừng tuần hoàn.

web_IMG_5414

Người bệnh đã ổn định sức khỏe

Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu người bệnh và báo động động đỏ toàn Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Kíp trực cùng các bác sĩ chuyên khoa Hồi sức, tim mạch đã có mặt để cấp cứu người bệnh. Khoảng hơn 1 giờ, sau nhiều cơn rung thất, ngừng tim, tình trạng mạch huyết áp của người bệnh được kiểm soát. Người bệnh được chuyển khoa Hồi sức tích cực Nội để điều trị.

Theo các bác sĩ cho biết: Người bệnh điều trị trong tình trạng tổn thương suy đa tạng sau ngừng tuần hoàn và đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp hoàn toàn. Các bác sĩ đã tiến hành duy trì vận mạch và chăm sóc điều trị tích cực. Sở dĩ người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn là do tình trạng rối loạn nhịp tim trên nền người bệnh có tiền sử nhồi máu cơ tim. Tình trạng này có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không thể tiên lượng trước. Đó là lý do khiến rất nhiều người bệnh có tiền sử bệnh lý về tim mạch đột tử tại nhà mà gia đình không kịp xử trí.

Sau gần 1 tuần điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Nội, người bệnh được cai máy thở, nhịp tim dần ổn định và được chuyển khoa Nội tim mạch để điều trị. Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Dự kiến trong 1-2 ngày tới sau khi làm các xét nghiệm tổng thể, nếu kết quả ổn định, người bệnh Điện sẽ được xuất viện.

Việc cứu sống người bệnh Điện nói riêng cũng như rất nhiều người bệnh khác nói chung cho thấy quy trình báo động đỏ bệnh viện đã và đang phát huy được hiệu quả. Khi có trường hợp cấp cứu khẩn cấp, báo động đỏ được kích hoạt trong toàn bệnh viện. Các bác sĩ ở các chuyên khoa sẽ được huy động tối đa để tiến hành cấp cứu người bệnh. Với sự nhanh chóng, kịp thời và nhiều kinh nghiệm, rất nhiều người bệnh đã được cứu sống nhờ quy trình báo động đỏ bệnh viện.

Mạnh Hà

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888