Các vụ ngộ độc bánh mì gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh
Các vụ ngộ độc bánh mì liên tiếp trong hai năm gần đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Thế nhưng, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý mà còn cần sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. Người tiêu dùng cần chủ động chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, trong khi doanh nghiệp cần chú trọng đạo đức kinh doanh và chất lượng sản phẩm.
133 người ở Đà Lạt bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì Liên Hoa
Ngày 18/3/2022 xảy ra vụ ngộ độc cho hàng loạt du khách, vận động viên và người dân liên quan đến thương hiệu bánh mì Liên Hoa bán tại các cơ sở trên đường Phan Chu Trinh, Trần Phú, chợ Đà Lạt. Có tổng cộng 133 bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn bánh mì Liên Hoa. Trong số này, có 109 ca phải đến bệnh viện điều trị, 24 ca điều trị tại nhà.
Tỉnh Lâm Đồng ra quyết định xử phạt chủ tiệm bánh Liên Hoa gây ngộ độc cho hàng loạt người dân và du khách tổng số tiền 92 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh 3 tháng.
313 người ngộ độc sau ăn bánh mì Phượng ở Hội An
Ngày 12/9/2023 sau khi tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Phượng, Hội An, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Quảng Nam đã lấy mẫu kiểm nghiệm. Qua xác minh, điều tra xác định tổng cộng 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng, trong đó có 103 người nước ngoài.
Sau khi ăn bánh mì Phượng, hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng ngộ độc là đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao... Thịt heo xíu và rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong hai bữa ăn ngày 11 và 12/9 được xác định là nguyên nhân khiến hàng trăm người bị ngộ độc do vi khuẩn Salmonella.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính 96 triệu đồng đối với hộ kinh doanh bánh mì Phượng (ở đường Phan Châu Trinh, P.Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Hộ kinh doanh bánh mì Phượng cũng bị đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời hạn 3 tháng. Ngoài ra phải chịu mọi chi phí liên quan.
153 người ngộ độc bánh mì Thu Hà ở Sóc Trăng
Cuối tháng 1/2024 MXH "dậy sóng" với vụ việc 153 người ngộ độc bánh mì ở tiệm Thu Hà (đường Hai Bà Trưng, phường 1, TP. Sóc Trăng). Sau khi ăn bánh mì kèm patê gan, thịt nguội, chả lụa, chà bông, dưa leo, bơ… mua tại tiệm, hàng trăm người có biểu hiện ngộ độc thực phẩm với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt… phải nhập viện điều trị.
Lãnh đạo UBND TP Sóc Trăng xử phạt hành chính tiệm bánh mì Thu Hà 90 triệu đồng, căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật Salmonellaspp phát hiện trong thịt nguội của cơ sở này.
Cơ sở Thu Hà còn bị đình chỉ hoạt động kinh doanh bánh mì patê - chả lụa trong thời gian 4 tháng; chịu toàn bộ chi phí khám, điều trị cho 153 người bị ngộ độc và xử lý ngộ độc thực phẩm, với số tiền hơn 384 triệu đồng.
560 người ngộ độc bánh mì Băng ở Đồng Nai – Một bé trai 5 tuổi tử vong
Ngày 30/4/2024, tiệm bánh mì Băng (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình) bán ra 1.100 ổ bánh mì. Đến ngày 1/5, những người ăn bánh mì có dấu hiệu ngộ độc như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn..., nhập viện cấp cứu, chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột, nghi ngộ độc thực phẩm.
Theo số liệu cập nhật của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tổng số trường hợp nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Tiệm bánh mì Cô Băng là 560 trường hợp, trong đó một bệnh nhi tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Tiệm bánh mì Băng bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm (gan heo, thịt mỡ), chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, tại thời điểm kiểm tra, chủ tiệm bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh mà 'mượn' giấy phép kinh doanh của con gái.
149 người ngộ độc do ăn bánh mì của cơ sở Hồng Ngọc 12 tỉnh Đồng Tháp
Ngày 7/8/2024, Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự (TP. Hồng Ngự) tiếp nhận 20 ca nhập viện với các triệu chứng: tiêu chảy, đau bụng, nôn ói… nghi ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì thịt. Tất cả bệnh nhân này đều là công nhân của của Công ty TNHH may túi xách Thái Dương.
Những ngày sau đó, ngành y tế tỉnh Đồng Tháp ghi nhận tiếp tục có thêm nhiều bệnh nhân là người dân ở ngoài công ty nhập viện; tổng cộng số ca ngộ độc thực phẩm là 149 ca, trong đó có 20 công nhân.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, kết quả quá trình điều tra, kiểm nghiệm các mẫu bệnh phẩm, thực phẩm của vụ nghi ngờ 149 người ngộ độc có liên quan đến pate gan trong bánh mì thịt do hộ kinh doanh sản xuất bánh mì Hồng Ngọc 12 tự sản xuất.
373 người ngộ độc ở tiệm bánh mỳ, xôi Cô Ba Bến Đình (Vũng Tàu) – Một cụ ông tử vong
Mới đây, ngày 26/11, nhiều người mua bánh mì của tiệm Cô Ba bị các triệu chứng đau bụng, sốt cao, tiêu chảy, trong đó một người tử vong nghi ăn bánh của tiệm này. Sản phẩm chủ yếu của tiệm là bánh mì thập cẩm gồm thịt luộc, chà bông, bơ, patê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành.
Đến chiều 29/11, có tổng cộng 373 người đến các cơ sở y tế để cấp cứu và điều trị liên quan đến ăn bánh mì, xôi tại tiệm bánh mì, xôi Cô Ba Bến Đình, trong đó có 1 người tử vong là cụ ông T.V.R (71 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu).
Nhà chức trách sau đó công bố ngộ độc do thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, rau sống ăn kèm của cơ sở nhiễm vi khuẩn Salmonella và E.coli.
Những lỗi gồm: sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay; kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên.
Chủ tiệm bánh mỳ, xôi Cô Ba Bến Đình dính 4 lỗi vi phạm hành chính và 2 tình tiết tăng nặng nên bị xử phạt 125 triệu đồng, phải dừng hoạt động 5 tháng.
Thủ phạm chính liên quan đến ngộ độc bánh mì
Ngộ độc bánh mì có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng một số thủ phạm chính thường gặp bao gồm:
Vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm
Salmonella: Vi khuẩn này có thể xuất hiện trong nguyên liệu làm bánh mì như trứng hoặc sữa không được xử lý đúng cách.
Staphylococcus aureus: Vi khuẩn này thường do người chế biến thực phẩm không vệ sinh, gây nhiễm bẩn thực phẩm.
Clostridium botulinum: Trong trường hợp bánh mì được bảo quản trong điều kiện thiếu không khí (như đóng gói chân không) và không đủ an toàn, vi khuẩn này có thể phát triển và sinh ra độc tố.
Nấm mốc và độc tố vi nấm
Bánh mì bị mốc nếu không được bảo quản đúng cách có thể chứa các độc tố vi nấm như aflatoxin hoặc ochratoxin, gây hại cho sức khỏe.
Hóa chất và phụ gia thực phẩm không an toàn
Sử dụng phụ gia thực phẩm không được phép hoặc vượt mức quy định, chẳng hạn như chất bảo quản hoặc chất tẩy trắng bột mì độc hại.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất từ nguyên liệu không được xử lý đúng cách.
Vệ sinh không đảm bảo
Dụng cụ, thiết bị làm bánh không được vệ sinh kỹ lưỡng, hoặc môi trường chế biến bị ô nhiễm có thể gây ngộ độc.
Quá trình bảo quản không đúng cách
Bánh mì bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm không phù hợp tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc nấm mốc phát triển.
Cần chung tay vì sức khỏe cộng đồng
Những vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bánh mì gần đây là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan:
Vai trò của cơ quan chức năng
Tăng cường kiểm tra, giám sát: Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.
Siết chặt quy định pháp luật: Ban hành và thực thi các quy định nghiêm ngặt hơn về an toàn thực phẩm, đặc biệt là với các cơ sở nhỏ lẻ.
Công khai thông tin: Minh bạch hóa danh sách các cơ sở vi phạm để người dân cảnh giác.
Trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất
Đảm bảo chất lượng: Sử dụng nguyên liệu an toàn, tuân thủ quy trình sản xuất và bảo quản nghiêm ngặt.
Nâng cao ý thức: Đào tạo nhân viên về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện trách nhiệm xã hội để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.
Ứng dụng công nghệ: Sử dụng công nghệ hiện đại trong kiểm soát chất lượng và bảo quản sản phẩm.
Vai trò của người dân
Lựa chọn thực phẩm thông minh: Mua bánh mì từ các cơ sở uy tín, chú ý đến nguồn gốc, hạn sử dụng và tình trạng của sản phẩm.
Phản ánh sai phạm: Báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng nếu phát hiện cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn.
Tự bảo vệ sức khỏe: Tránh sử dụng bánh mì hoặc thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hoặc có mùi vị bất thường.
Giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng
Tuyên truyền mạnh mẽ qua các kênh truyền thông về an toàn thực phẩm.
Tổ chức các chương trình giáo dục dành cho người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro và cách phòng ngừa.
Những bài học đau xót từ các vụ ngộ độc là động lực để cải thiện toàn diện hệ thống an toàn thực phẩm, không chỉ với bánh mì mà còn với tất cả các loại thực phẩm khác. Đây là một nhiệm vụ chung, đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn xã hội để cải thiện toàn diện hệ thống an toàn thực phẩm, hướng đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách bền vững.
Tình Vũ