Câm nín chọn lọc – Selective Mutism
Chứng câm nín chọn lọc (selective mutism) thuộc nhóm rối loạn lo âu và thường gặp ở trẻ em hơn là ở vị thành niên và người trưởng thành. Người mắc chứng này vẫn có khả năng nói, giao tiếp với những người quen thuộc trong môi trường gia đình nhưng lại gặp khó khăn hoặc thậm chí không nói trong một số tình huống xã hội nhất định.
Chứng câm nín chọn lọc (selective mutism) thuộc nhóm rối loạn lo âu và thường gặp ở trẻ em hơn là ở vị thành niên và người trưởng thành. Người mắc chứng này vẫn có khả năng nói, giao tiếp với những người quen thuộc trong môi trường gia đình nhưng lại gặp khó khăn hoặc thậm chí không nói trong một số tình huống xã hội nhất định.
Ước tính về tỷ lệ phổ biến đối với chứng câm nín chọn lọc ở cả nam và nữ nằm trong khoảng từ 0,2% đến 1,6%. Hơn 90% trẻ mắc chứng câm chọn lọc có kèm theo chứng ám ảnh sợ xã hội hoặc lo âu xã hội. Chứng câm nín chọn lọc có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, nhưng thường là từ 2 đến 4 tuổi. Chứng này thường được xác định khi trẻ bắt đầu tương tác với những người bên ngoài gia đình, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ hoặc đi học.
Dấu hiệu cảnh báo cho chứng tật này chính là sự tương phản một cách rõ rệt về khả năng giao tiếp của trẻ với những người khác nhau của trẻ, đặc trưng bởi sự im lặng đột ngột và nét mặt căng thẳng khi trẻ phải nói chuyện với một ai đó.
Dễ nhận biết nhất chính là trẻ tránh giao tiếp bằng mắt và xuất hiện thêm:
- Sự lo lắng, khó chịu hoặc khó xử về mặt xã hội
- Bám dính với cha mẹ, hoặc người chăm sóc
- Thái độ bướng bỉnh hoặc hung hăng, cáu kỉnh khi đi học về hoặc tức giận khi bị cha mẹ hỏi thăm
Nguyên nhân: Hiện nay nguyên nhân chính cho chứng câm nín chọn lọc chưa được xác định một cách rõ ràng nhưng nó được cho là có liên quan đến sự lo lắng.
Chẩn đoán: Câm nín chọc lọc (Selective mutism) thường xảy ra ở trẻ em hơn là vị thành niên hoặc người trưởng thành. Trẻ mắc chứng tật này vẫn có khả năng nói trong bối cảnh này nhưng không thể nói trong môi trường khác (chẳng hạn như trường học,…). Tình trạng mất khả năng nói phải kéo dài liên tục trong 1 tháng và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống (như là kết quả học tập, khả năng giao tiếp xã hội,…). Chứng câm nín chọn lọc cần được phân biệt với các rối loạn phát triển (rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ,…), tâm thần phân liệt hay một dạng loạn thần nào khác.
Can thiệp: Việc gia đình và nhà trường nhận ra sớm để cùng nhau hỗ trợ giúp trẻ giảm bớt sự lo lắng là rất quan trọng. Phương pháp can thiệp phù hợp cho điều trị là:
- Trị liệu hành vi: Trị liệu hành vi tập trung vào việc giúp gỡ bỏ khó khăn tâm lí. Những kĩ thuật được sử dụng trong trị liệu hành vi bao gồm: tiếp xúc theo cấp độ, điều chỉnh hành vi, củng cố tích cực và tiêu cực, giải mẫn cảm hệ thống,…
- Điều trị bằng thuốc: Thuốc chỉ thực sự thích hợp cho trẻ lớn, vị thành niên và người lớn khi sự lo lắng của họ đã dẫn đến trầm cảm và các vấn đề khác. Thuốc không thể được chỉ định như một giải pháp thay thế cho các biện pháp giáo dục và các phương pháp điều chỉnh hành vi. Mặc dù một số chuyên gia y tế khuyên nên sử dụng kết hợp thuốc và liệu pháp hành vi.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ:
- Đừng gây áp lực mà hãy khuyến khích trẻ nói.
- Hãy cho trẻ biết rằng bạn hiểu nỗi sợ và khó khăn của trẻ.
- Đừng khen ngợi hay phê bình trẻ một cách công khai vì điều này có thể gây cho trẻ sự xấu hổ.
- Nhờ bạn bè và người thân cho trẻ thời gian để thích ứng theo nhịp của trẻ và tập trung vào các hoạt động vui chơi hơn là bắt trẻ phải nói chuyện.
Hiệu quả điều trị sẽ phụ thuộc vào:
- Người đó đã mắc chứng câm nín chọn lọc trong bao lâu?
- Họ có gặp thêm khó khăn hoặc lo lắng nào khác hay không?
- Sự hợp tác của những người liên quan như thế nào?
- Việc điều trị không tập trung vào việc nói mà tập trung vào việc giảm sự lo lắng.
Với tiến trình can thiệp và điều trị thích hợp, hầu hết trẻ đều có thể vượt qua chứng câm nín chọn lọc. Nếu cha mẹ hoặc người chăm sóc nghi ngờ trẻ mắc chứng câm nín chọn lọc, hãy đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lí, bác sĩ tâm thần để được đánh giá, chẩn đoán, và tư vấn tiến trình can thiệp phù hợp.
Theo Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố