BSCKII Lê Nhật Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Người bệnh L.M.T, 27 tuổi, ở Lạng Sơn, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, đa chấn thương, đa vết thương, hôn mê Glasgow 10 điểm, toàn thân đầy vỏ mìn găm từ mắt, hàm mặt, ngực, bụng, tay, chân. Ngực, bụng nhiều lỗ thủng, tay phải của người bệnh đã bị dập nát, hai mắt tổn thương nặng do người bệnh lên mạng học cách làm mìn, mua vật liệu nổ về tự chế mìn để đánh cá. Nguy cơ người bệnh tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật cấp cứu kịp thời.
Người bệnh bị đa chấn thương rất nặng. Tay phải của người bệnh đã bị cụt và dập nát, đồng thời mất thị lực một bên mắt
Cuộc phẫu thuật cấp cứu được tiến hành bởi 6 chuyên khoa phối hợp (Tim mạch, lồng ngực, tiêu hoá, chấn thương, hàm mặt, mắt) kéo dài 7 giờ đồng hồ đã diễn ra giúp người bệnh thoát khỏi cửa tử. Sau 8 ngày điều trị tại phòng hồi sức tích cực, người bệnh được trở lại bệnh phòng, tiếp tục chăm sóc vết thương và hồi phục sức khoẻ. Hiện tại tình trạng người bệnh tạm ổn định, một bên mắt đã có thể nhìn rõ, hàm mặt lên da non, các tổn thương ngực, bụng cơ bản đã hồi phục. Mảng khuyết da lớn ở vùng bẹn và bìu cần điều trị bằng vá da, do vậy người bệnh được chuyển tới Đơn vị liền thương (thuộc khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn) để tiếp tục điều trị.
Việc sử dụng vật liệu nổ tự chế, trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, huỷ hoại nặng nề môi trường sống. Ngoài ra các bác sỹ cũng cho biết: Tai nạn do mìn nổ hết sức nguy hiểm, nó không chỉ cướp đi tính mạng của người sử dụng vật liệu nổ mà có thể kéo theo nhiều nạn nhân khác, tai nạn hoả khí thường để lại những di chứng nghiêm trọng, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Với những trường hợp may mắn được cứu sống, bệnh nhân cũng có thể phải chịu đựng tình trạng tàn phế suốt đời. Do đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và cảnh báo về các hậu quả nghiêm trọng của việc sử dụng vật liệu nổ trái phép.
Hiền Thảo