Tại sao ăn mãi không tăng cân?
Không ít người thắc mắc: “Vì sao có người ăn ít vẫn tăng cân, trong khi người khác ăn mãi vẫn gầy?” Câu trả lời không chỉ nằm ở lượng thức ăn, mà còn ở những yếu tố sinh lý và cơ địa ảnh hưởng đến cân nặng.
Ảnh minh họa
Tạng người – nền tảng tự nhiên của cơ thể
Năm 1940, nhà tâm lý học William H. Sheldon phân chia cơ thể con người thành 3 tạng chính:
● Ectomorph: Người gầy, khó tích mỡ, tỷ lệ mỡ thấp, khó tăng cân dù ăn nhiều.
● Mesomorph: Người khung xương to, dễ xây dựng cơ bắp, cân đối.
● Endomorph: Người dễ tích mỡ, tăng cân nhanh.
Những người thuộc nhóm ectomorph cần chế độ ăn giàu calo, protein và chất béo lành mạnh để hỗ trợ tăng cân, tăng cơ.
Tỷ lệ trao đổi chất – động cơ đốt calo của cơ thể
Tốc độ trao đổi chất cơ bản cũng là yếu tố quyết định. Người có tỷ lệ trao đổi chất cao tự nhiên tiêu hao nhiều calo hơn, ngay cả khi nghỉ ngơi. Điều này thường liên quan đến di truyền, hormone hoặc chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, người Đông Á như Nhật Bản và Trung Quốc được chứng minh có tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn người phương Tây từ 7-12%.
Bệnh lý di truyền và thói quen ăn uống
Một số bệnh lý làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng như:
● Xơ nang: Gây thiếu enzyme tiêu hóa, giảm hấp thu chất béo và protein.
● Không dung nạp gluten: Gây tổn thương ruột, giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
● Thói quen xấu: Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, hoặc sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ không hòa tan khiến cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng.
Góc nhìn y học cổ truyền
Ảnh minh họa
Theo y học cổ truyền, người khó tăng cân thường thuộc các thể chất như khí hư, dương hư, hoặc tỳ vị suy yếu. Việc điều chỉnh chế độ ăn phù hợp có thể cải thiện cân nặng. Ví dụ, người khí hư nên dùng cháo gạo nếp, phối hợp với gừng và nhục đậu khấu. Người dương hư cần bổ sung thực phẩm tính ấm như thịt dê, thịt gà ác hoặc thảo quả.
Lời khuyên
Để cải thiện cân nặng, cần hiểu rõ cơ địa và các yếu tố ảnh hưởng, kết hợp chế độ ăn uống cân đối, khoa học, và lối sống lành mạnh. Nếu cần, hãy tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ chuyên sâu.