Tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh sởi trên địạ bàn TP. Hà Nội
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9/11 đến ngày 15/11), toàn thành phố ghi nhận 25 ca mắc sởi, 0 tử vong, tăng 9 ca so với tuần trước đó (16/0); trong đó 20 ca mắc chưa tiêm chủng vắc xin phòng sởi và 5 ca mắc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng sởi.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sởi của toàn thành phố là 87 ca tại 23 quận, huyện, 0 tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi có 26 ca mắc dưới 9 tháng tuổi (29,9%); 16 ca từ 9-12 tháng (18,4%); 14 ca mắc từ 13-23 tháng (16,1%); 10 ca mắc từ 24-60 tháng (11,5%); 21 ca mắc trên 60 tháng tuổi (24,1%).
CDC Hà Nội nhận định số mắc sởi đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh. Chính vì vậy, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Về sốt xuất huyết, trong tuần, toàn thành phố ghi nhận 500 ca mắc, 0 ca tử vong, giảm 66 trường hợp so với tuần trước đó (566/0). Quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Hà Đông 65 ca, Đống Đa 38, Nam Từ Liêm 32, Cầu Giấy 31, Hoàng Mai 27, Ba Đình và Ứng Hòa mỗi nơi 24 ca, Chương Mỹ 21, Thường Tín 20. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, số mắc sốt xuất huyết của toàn thành phố là 6.743 ca, 0 ca tử vong, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2023 (33.489/4). Trong tuần ghi nhận 33 ổ dịch sốt xuất huyết tại 17 quận, huyện, tương đương so với tuần trước. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 377 ổ dịch, còn 55 ổ dịch đang hoạt động.
Nhận định chung, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần ghi nhận xu hướng giảm so với tuần trước nhưng vẫn ở mức cao. Kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo tiếp tục ghi nhận thêm bệnh nhân, ổ dịch trong các tuần tới.
Đối với dịch, bệnh tay chân miệng, trong tuần thành phố ghi nhận 34 trường hợp mắc, 0 ca tử vong, giảm 3 trường hợp so với tuần trước (37/0). Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.368 trường hợp, 0 tử vong, giảm so với cùng kỳ năm 2023 (2.566/0). Trong tuần ghi nhận 1 ổ dịch với 2 ca mắc tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông. Cộng dồn năm 2024 là 47 ổ dịch, hiện tại còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Một số dịch, bệnh khác như ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, rubella, Covid-19 không ghi nhận trong tuần.
Trong tuần qua, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch đang hoạt động. Đồng thời, tổ chức tập huấn triển khai tiêm vắc xin phòng uốn ván – bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho cán bộ y tế 30 quận, huyện, thị xã… Các hoạt động kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh học đường, kiểm dịch y tế quốc tế, truyền thông – giáo dục sức khỏe được thực hiện đồng bộ, bài bản.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thường trực bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Thực hiện giám sát công tác xử lý ổ dịch, khu vực nguy cơ sốt xuất huyết tại Nhật Tân (Tây Hồ), Phú Túc (Phú Xuyên), Tiền Phong (Mê Linh), Vạn Thái (Ứng Hòa).
Tổ chức giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh, điều tra, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch.
Tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như: tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella… và các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, liên cầu lợn… Với các bệnh có vắc xin, khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Đẩy mạnh công tác kiểm dịch y tế tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các ca mắc, nghi ngờ mắc bệnh dịch để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, kịp thời.
Lam Thảo