Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở những đâu?
Nói đến lao mọi người thường nghĩ ngay tới lao phổi với triệu chứng ho kéo dài, ho ra máu, gầy sút cân, mệt mỏi và sốt về chiều. Nhưng ít ai biết rằng lao có thể gây bệnh ở rất nhiều hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Chính vì vậy cần hiểu để biết cách phòng tránh loại vi khuẩn quái ác này.
Tìm hiểu vi khuẩn lao
- Tên khoa học: Mycobacterium tuberculosis -M. tuberculosis
Đặc điểm sinh học: Trực khuẩn lao có dạng thanh mảnh với kích thước cực nhỏ bé, chỉ khoảng 0.4x3mm nhưng có tác hại vô cùng to lớn. Loại vi khuẩn này ưa khí và thích sống ở điều kiện 37 độ C, đặc biệt ở các môi trường giàu dinh dưỡng nó sẽ phát triển nhanh chóng.
Trực khuẩn lao có sức sống khá mãnh liệt, trong đờm có thể sống được nhiều tuần, đờm khô khoảng 2 tháng. Kháng lại được cồn –acid nồng độ thông thường. Chính vì vậy để tiêu diệt vi khuẩn này các hoá chất dùng để diệt vi khuẩn lao phải có nồng độ cao và thời gian tiếp xúc lâu. Các dung dịch thường sử dụng là Crezyl 5%, phenol 5%, lysol 3%, Formol 3-8%. Hấp ướt hoặc luộc sôi 100oC/5 phút.
- Đường lây truyền
Vi khuẩn lao chủ yếu lây quà đường hô hấp. Người hít phải không khí, các giọt nước chứa vi khuẩn lao do bệnh nhân lao ho, hắt hơi vào không khí
Một số ít có thể lây qua đường tiêu hóa khi uống sữa bò bị bệnh do Mbovis
Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở đâu
Vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở rất nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, chính vì vậy biểu hiện khi nhiễm lao cũng khác nhau. Các cơ quan hay bị lao xâm nhập và làm tổn thương:
- Lao phổi: hay gặp nhất. Trực khuẩn lao thích sống ở vùng đỉnh phổi, vùng phổi dưới xương đòn.
- Lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng: khá thường gặp
- Lao xương: gây triệu chứng đau xương, rất dễ chẩn đoán nhầm với viêm xương, u xương
- Lao hạch: thường gặp nhất là hạch cổ, cũng có thể là hạch ở các vùng khác. Dễ chẩn đoán nhầm là viêm hạch, hạch quá sản
- Lao các cơ quan khác: Lao gan, lao vú, lao thận, lao khớp, lai da….
Làm thế nào để phòng bệnh lao
Căn bệnh lao vẫn chưa ngừng lại, gây ảnh hưởng xấu tới cả cộng đồng. Việt Nam có tỉ lệ mắc lao khá cao, đứng thứ 22 trên thế giới. Chính vì vậy việc phòng chống lao là một nhiệm vụ vô cùng bức thiết cần tất cả mọi người chung tay:
- Phòng bệnh lao không đặc hiệu
+ Vệ sinh môi trường, nhà cửa thông thoáng, thông khí đầy đủ là biện pháp quan trọng nhất để phòng lây nhiễm lao.
+ Ở bệnh viện, dùng tia cực tím để khử trùng không khí, sử dụng không khí lọc, dùng mạng che mũi miệng.
+ Cách ly bệnh nhân lao: Bệnh nhân lao có phòng cách ly riêng và phòng có thông khí tốt.
+ Kiểm tra lao sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ: Phát hiện bệnh nhân ho khạc ra vi khuẩn qua đờm soi trực tiếp và điều trị là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, sự lây nhiễm sẽ giảm đi nhiều sau 2 - 3 tuần điều trị.
+ Cần phải tăng cường phát hiện lao ở người HIV.
- Phòng bệnh đặc hiệu
Vaccine BCG (Bacillus Calmette Guerin) là vaccine sống, tiêm trẻ <1 tháng tuổi, 0,05mg (0,1ml) vị trí: trong da trên cơ delta cánh tay T.
Tuy không thể tránh bệnh lao 100% nhưng việc tiêm phòng đầy đủ giúp giảm tỉ lệ mắc lao rất nhiều lần.
Hiền Anh