Cứu sống 1 bệnh nhân bị ngừng tim 7 lần trên bàn can thiệp
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu 1 nam bệnh nhân trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi, khó thở.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu 1 nam bệnh nhân trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi, khó thở.
Ông N.M.H (Yên Sơn, Tuyên Quang) được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu trong tình trạng nôn ói, mệt mỏi, khó thở. Ông H. có tiền sử tăng huyết áp nhưng không uống thuốc thường xuyên.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3 kèm theo rối loạn huyết động và rối loạn nhịp tim.
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân (Ảnh cắt từ camera phòng can thiệp)
Ths.BS Phạm Ngọc Tân, Khoa Nội – Tim mạch, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, cho biết, khi tiếp nhận, bệnh nhân đã trong tình trạng nguy hiểm, cần phải can thiệp tim mạch ngay lập tức, nếu chậm trễ, sẽ có nguy cơ tử vong.
Trước khi vào can thiệp, bệnh nhân xuất hiện ngừng tim. Bác sĩ dự đoán có thể xảy ra các cơn ngừng tuần hoàn tiếp theo nên trong quá trình cấp cứu đã cấy tạm máy tạo nhịp tim.
Ê-kíp can thiệp theo dõi sát sao, trong trường hợp phát hiện ngừng thở sẽ tiến hành ép tim, bơm bóng ngay lập tức. Thời gian ngừng tuần hoàn ngắn nên bệnh nhân không bị mất ý thức hoàn toàn.
Bác sĩ Tân chia sẻ, suốt quá trình can thiệp, các bác sĩ luôn “cân não” nhìn sát vào màn hình, nếu có bất thường là ép tim. Toàn bộ các dụng cụ cho cấp cứu ngừng tuần hoàn luôn có sẵn trong phòng.
“Chúng tôi nghĩ rằng bệnh nhân khó có thể sống được. Hàng chục năm tôi làm can thiệp, đây là ca hy hữu nhất. Sau nỗ lực của các bác sĩ, ông H. đã được cứu sống. Hiện tại, bệnh nhân đã bỏ máy tạo nhịp tim, đang hồi phục dần”, bác sĩ Tân nói.
Ông H. chia sẻ: “Tôi giống như chết đi sống lại 7 lần. Tôi vô cùng cảm kích các bác sĩ đã cứu mình”.
Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là mảng xơ vữa trong lòng mạch bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, suy tim, đột tử.
Theo bác sĩ Tân, số bệnh nhân nhồi máu cơ tim ngày càng tăng. Đặc biệt vào mùa đông, nhiệt độ thay đổi nhanh, biến cố tim mach, đột quỵ cũng tăng lên. Khi có dấu hiệu đau ngực dữ dội, vã mồ hôi, người dân cần vào viện nhanh chóng. Nếu chậm trễ, có thể sốc tim, trụy mạch và tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo những người nên đề phòng là nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh, người có huyết áp cao, mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn mỡ máu di truyền, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
Để phòng bệnh, bạn nên tập thể dục đều đặn, giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, nước ngọt, không nên ăn mặn, giảm ăn thịt mỡ, thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào.
Mạnh Hà