Hotline: +84 0777. 943. 888

Tầm quan trọng của việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ

02/11/2024 15:51

Tiêm chủng mở rộng là một chiến lược y tế công cộng nhằm đảm bảo các đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai trong cộng đồng đều có cơ hội tiếp cận và nhận được các loại vắc xin phòng bệnh quan trọng, nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Tiêm chủng mở rộng là một chiến lược y tế công cộng nhằm đảm bảo các đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai trong cộng đồng đều có cơ hội tiếp cận và nhận được các loại vắc xin phòng bệnh quan trọng, nhằm ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.

Mục tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng là tạo miễn dịch chủ động, ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.

Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm như viêm gan B, bệnh lao, ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm phổi, viêm màng não do Hib, bệnh sởi – rubella và viêm não Nhật Bản. Đây là những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Vì vậy việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cách tốt nhất để trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể trẻ tạo kháng thể miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm và nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo quy định của Bộ Y tế, trẻ em cần được tiêm chủng đầy các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh truyền nhiễm với lịch tiêm chủng cụ thể như sau:

Trẻ sơ sinh; Vắc xin BCG, phòng bệnh lao, tiêm 1 mũi cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh; vắc xin viêm gan B, phòng bệnh viêm gan B, tiêm mũi 1 trong vòng 24 giờ sau sinh.

Trẻ 2 tháng tuổi: Vắc xin OPV phòng bệnh bại liệt, uống lần 1; vắc xin SII, phòng 5 bệnh: bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – viêm não, màng não do Hemophilus influenza typ B, tiêm mũi 1.

Trẻ 3 tháng tuổi: Vắc xin OPV, uống lần 2; vắc xin SII, tiêm mũi 2.

Trẻ 4 tháng tuổi: Vắc xin OPV, uống lần 3; vắc xin SII, tiêm mũi 3.

Trẻ 5 tháng tuổi: Vắc xin IPV, phòng bệnh bại liệt (dạng tiêm), tiêm mũi 1.

Trẻ 9 tháng tuổi: Vắc xin IPV, tiêm mũi 2; vắc xin sởi, tiêm mũi 1.

Trẻ 18 tháng tuổi: Vắc xin sởi – Rubella, phòng bệnh sởi – rubellam, tiêm mũi 2; vắc xin DPT, phòng 3 bệnh: Bạch hầu – ho gà – uốn ván, tiêm nhắc lại

Trẻ từ 1 – 5 tuổi: Vắc xin viêm não Nhật Bản, phòng bệnh viêm não Nhật Bản B, tiêm mũi 1: Khi trẻ 1 tuổi, tiêm mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, tiêm mũi 3: 1 năm sau mũi 2.

Theo kế hoạch của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trong thời gian tới tất cả các vắc xin trong chương trình tiêm chủng đã được cung cấp đầy đủ cho các tỉnh, thành phố và sẽ được triển khai tại các trạm y tế xã phường trên cả nước ngay từ những ngày đầu tháng 1/2024. Đặc biệt vắc xin 5 trong 1 (SII) sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi, sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin 5 trong 1.

Để phòng tránh các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, các bậc phụ huynh khi được các nhân viên y tế thông báo, hãy quan tâm đưa trẻ đến cơ sở y tế địa phương để được khám, tư vấn và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh miễn phí cho trẻ em.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ em và là quyền lợi của trẻ em. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ đến tuổi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng phải đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch của trẻ, dẫn đến nguy cơ mắc  các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

T.Chung

A LÔ BÁC SĨ - TẠP CHÍ SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG
Cơ quan của Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam
Giấy phép hoạt động báo chí: Số 52/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/02/2020
Tổng Biên tập: TS.Vương Văn Việt
Phụ trách chuyên trang:
Phó Tổng biên tập: ThS.Chu Thị Loan
Trụ sở Tòa soạn:
Số 99 Nguyễn Phong Sắc, P.Dịch Vọng Hậu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: ts.alobacsy@gmail.com
Hotline: 0777. 943. 888