Hotline: +84 0777. 943. 888

Tình trạng thiếu ngủ kéo dài đang ngầm cảnh báo điều gì đến sức khoẻ?

06/01/2025 19:58

Não lão hóa sớm, nguy cơ trầm cảm, tiểu đường type 2, béo phì có thể xảy ra nếu thường xuyên ngủ không đủ giấc.

Giấc ngủ quan trọng đối với sức khỏe, là thời gian cơ thể tái tạo và phục hồi sau một ngày dài. Người trưởng thành nên ngủ 7-9 giờ mỗi ngày. Thanh thiếu niên (14-17 tuổi) cần ngủ 8-10 giờ một ngày và người trên 65 tuổi nên ngủ đủ 7-8 giờ. Mất ngủ, thiếu ngủ kéo dài làm thay đổi hormone, hoạt động của cơ thể, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính, ảnh hưởng xấu đến trí nhớ, khả năng tập trung.

20211027-mat-ngu-thuong-xuyen.jpgẢnh minh hoạ

Não bộ lão hóa sớm: Thiếu ngủ kéo dài có thể gây suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy, làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Người gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ có "tuổi não" già hơn so với người ngủ ngon. Não bộ lão hóa sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ, khả năng tư duy và nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer.

 

Trầm cảm và lo âu: Người bị mất ngủ mạn tính có nguy cơ mắc trầm cảm và lo âu cao hơn. Mối quan hệ giữa giấc ngủ và tâm trạng rất phức tạp, thiếu ngủ khiến lo âu nhiều hơn, trong khi trầm cảm và lo âu cũng gây mất ngủ. Cải thiện giấc ngủ có thể giúp ổn định tâm trạng.

 

Tăng cân và béo phì: Thiếu ngủ gây mất cân bằng hormone ghrelin và leptin, ảnh hưởng đến cảm giác đói và no. Khi ngủ không đủ, mức leptin giảm, khiến bạn có cảm thấy đói hơn, trong khi mức ghrelin tăng kích thích cảm giác thèm ăn. Thiếu ngủ làm tăng lượng calo tiêu thụ, dần dần làm tăng cân theo thời gian. Người bị huyết áp cao có nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, dễ bị thừa cân hoặc béo phìBởi mỡ thừa gây chèn ép, tích tụ mảng bám trong động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch.

 

Tiểu đường type 2: Ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ chất lượng kém làm suy yếu khả năng kiểm soát đường huyết, tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường type 2. Thiếu ngủ làm thay đổi nồng độ insulin và đường huyết, tạo điều kiện cho hội chứng chuyển hóa và kháng insulin phát triển.

 

Vấn đề về thận: Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính. Các rối loạn giấc ngủ như hội chứng chân không yên hoặc mất ngủ thường thấy ở người bệnh thận. Người có chức năng thận kém hoặc có vấn đề nếu bị mất ngủ kéo dài có khả năng suy thận cao.

 

Hệ miễn dịch suy giảm: Không ngủ đủ giấc khiến hệ miễn dịch suy yếu, dễ bị bệnh như cảm lạnh, cúm hơn. Bởi thiếu ngủ làm giảm khả năng tạo kháng thể khiến cơ thể khó chống lại bệnh tật.

 

Hệ vi sinh đường ruột kém: Giấc ngủ kém có thể làm mất cân bằng vi sinh vật trong đường ruột, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể. Người làm việc ca đêm hoặc thiếu ngủ dễ bị thay đổi hệ vi sinh, giảm vi khuẩn có lợi trong ruột.

 

Tác giả: Trần Vân ( theo EveryDay Health )